Hiệp hội các trường đại học của Hà Lan cho biết các ngành học được dạy bằng tiếng Anh đang giúp “cải thiện chất lượng giảng dạy”. Tuy nhiên, một số học giả lại có ý kiến khác.

{keywords}

Hiệp hội Đại học Hà Lan đã bảo vệ sự phát triển của các ngành học bằng tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục của nước này bằng cách tuyên bố rằng, các ngành học này sẽ “nâng cao chất lượng giáo dục” và đẩy mạnh “tính cạnh tranh và khả năng sáng tạo” của đất nước.

Các số liệu của tờ Volkskrant công bố hồi tháng trước cho thấy 60% ngành học ở các trường đại học Hà Lan được giảng dạy bằng tiếng Anh, và con số này tăng lên 70% nếu chỉ tính bậc học Thạc sĩ. Các phân tích được dựa trên 1.632 ngành học ở 13 trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu ở Hà Lan.

Sự phát triển của các ngành học dạy bằng tiếng Anh vấp phải sự chỉ trích của một số học giả. Một học giả khẳng định rằng các bài giảng bằng tiếng Anh “làm mất đi sự tinh tế và hài hước”, và kỹ năng tiếng Anh của sinh viên Hà Lan không phải lúc nào cũng đủ tốt để “viết và thể hiện bản thân một cách chính xác và không có sai sót nào”.

Một cuộc thăm dò vào năm ngoái của Hiệp hội Sinh viên Hà Lan LSVb cũng cho thấy 60% sinh viên đang phải đối mặt với những bài giảng mà họ không thể hiểu được do việc giảng dạy bằng tiếng Anh ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, ông Bastiaan Verweij – phát ngôn viên của Hiệp hội Đại học Hà Lan (VSNU) – cơ quan đại diện cho 14 trường đại học nghiên cứu của nước này – chia sẻ với Times Higher Education rằng các yếu tố đó sẽ tạo nên một lớp học mang đẳng cấp quốc tế, bao gồm “một sự kết hợp tốt của các sinh viên trong nước và nước ngoài, và là cách tiếp cận tốt với những nội dung đưa nền tảng văn hóa của sinh viên vào việc giảng dạy”.

Ông nói tổ chức này “tin tưởng rằng sự có mặt của các sinh viên quốc tế sẽ mang lại một văn hóa học tập tham vọng hơn, tạo động lực lớn cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy”.

“Đó là lý do tại sao 60% các chuyên ngành ở đại học Hà Lan hiện đang được dạy bằng tiếng Anh. Các chương trình học tập quốc tế sẽ lần lượt nâng cao chất lượng giáo dục” – ông nói.

“Tất nhiên, quan trọng là tiếp tục thực hiện việc nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếng Anh”.

Ông cũng khẳng định, hệ thống giáo dục đại học Hà Lan trong đó phân biệt rõ giữa các trường đại học nghiên cứu và các trường đại học dành cho giáo dục chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc nước này đã “được đặt ở một thế tốt để phản ứng với sự phát triển của thế giới”, nhưng chỉ khi có “một không gian rộng lớn cho những người có trình độ cao và có các kỹ năng mang chuẩn thế giới”. Phân tích của Volkskrant không có các số liệu về số ngành học bằng tiếng Anh ở các trường đại học dành cho giáo dục chuyên nghiệp.

“Các cơ sở giáo dục của Hà Lan hãy xem việc nâng cao giảng dạy, nghiên cứu là nhiệm vụ cấp bách của mình. Ngày nay, điều này chỉ có thể đạt được bằng cách hoạt động trên quy mô quốc tế”.

“Quốc tế hóa là một bước cần thiết cho sinh viên trong thị trường việc làm quốc tế và cần thiết để Hà Lan tiếp tục phát triển như một nền kinh tế tri thức và đẩy mạnh tính cạnh tranh cũng như khả năng sáng tạo của mình” – ông nói.

Ông Robert Tijssen – chủ tịch phụ trách nghiên cứu đổi mới và khoa học của ĐH Leiden (Hà Lan) cho rằng sự phát triển của các chuyên ngành dạy bằng tiếng Anh “là một tác động gần như không thể tránh khỏi của tiến trình quốc tế hóa” trong lĩnh vực giáo dục đại học, và mặc dù “các vấn đề về chất lượng sẽ nảy sinh, nhưng việc này sẽ được giải quyết trong một vài năm”.

“Tôi mong rằng nhiều quốc gia châu Âu cũng sẽ đi theo hướng này, đặc biệt là những quốc gia nhỏ hơn có xã hội cởi mở, có nền kinh tế định hướng thương mại quốc tế, tập trung vào dịch vụ. Những sinh viên tốt nghiệp của trường sẽ hưởng lợi từ một nền giáo dục song ngữ”.

  • Nguyễn Thảo