Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn của cả nước. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước làm thay đổi toàn diện, tích cực bộ mặt nông thôn.
Không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tỉnh Hà Giang quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, xây dựng và nhân rộng nếp sống văn minh nông thôn mới, đặc biệt là tại các khu vực dân tộc thiểu số, miền núi.
Điển hình như dân tộc La Chí ở xã Bản Díu, huyện Xín Mần với Tế Khu cù tê độc đáo. Năm 2014, Tết Khu cù tê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đảng bộ, chính quyền và các hội, đoàn thể xã Bản Díu chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo, thay đổi các tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Theo ông Vương Ngọc Kiên, Bí thư Chi bộ thôn Díu Thượng, xã Bản Díu: Những năm qua, đồng bào dân tộc La Chí luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Chi bộ thường xuyên đưa nội dung xây dựng nếp sống văn minh nông thôn mới vào sinh hoạt, quán triệt và tuyên truyền cho đảng viên và nhân dân trong thôn để thực hiện. Đồng thời ký cam kết giữa ban quản lý thôn, người dân và chính quyền địa phương trong việc xây dựng nếp sống văn minh. Các lễ hội, việc cưới, việc tang đều được cắt giảm những thủ tục rườm rà, không cần thiết và hạn chế việc uống rượu, bia trong ngày lễ.
Đảng bộ, chính quyền xã Bản Díu tập trung lãnh đạo, quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nêu cao vai trò người đứng đầu và tiên phong của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, phát huy vai trò của các hội, đoàn thể, cán bộ phụ trách thôn, tuyên truyền qua các buổi họp thôn; qua hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi, tuyên truyền miệng tại chợ phiên… Vận động người dân chấp hành tốt quy ước, hương ước của thôn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định.
Hàng năm, xã phát động thi đua giữa các thôn, trong đó một số nội dung được tuyên truyền và ký cam kết thi đua như: Không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; không đòi hỏi lễ vật thách cưới tốn kém, tổng số lễ vật quy ra tiền không vượt quá 25 triệu đồng/đám cưới. Thời gian tổ chức lễ cưới không quá 1,5 ngày. Thủ tục vừa đảm bảo theo phong tục, tập quán của dân tộc, địa phương, vừa tiết kiệm chi phí.
Đối với việc tang, người dân đã thực hiện không để người chết trong nhà quá 48 giờ, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm và không tổ chức ăn uống trong khi tổ chức tang lễ… Khi gia đình có người ốm thì đưa đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, không đi xem bói, cúng bái… Không tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và giữ vệ sinh, môi trường.
Các nội dung thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với phong trào nông thôn mới được vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm.
Bên cạnh thực hiện nếp sống văn minh nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh Hà Giang cũng quan tâm hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phát động các phong trào văn hóa, thể thao, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn.
Thôn Tha, xã Phương Độ, TP Hà Giang đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, có 132 hộ với 99% là dân tộc Tày. Thôn còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa của dân tộc Tày như: Trên 95% số hộ có nhà sàn mái lá cọ theo kiến trúc truyền thống; 80% người dân sử dụng trang phục và tiếng nói truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày; các giá trị văn hóa như múa Then, nón, múa bát, các nhạc cụ dân tộc, trò chơi, lễ hội dân gian được giữ gìn, bảo tồn, tổ chức thường xuyên.
Địa phương có 1 đội văn nghệ dân gian thường xuyên luyện tập để biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách. Các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng của thôn được quan tâm đầu tư xây dựng; diện mạo nông thôn ngày càng chuyển biến tích cực.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Phương Độ tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Tha triển khai, xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; qua đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tại huyện Vị Xuyên, xác định địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của người dân, góp phần phát triển con người toàn diện, vì vậy huyện đã phát động phong trào xây dựng nhà văn hóa tại các thôn, tổ dân phố.
Từ sự đồng lòng góp công, góp của, nguồn lực từ nhân dân đã tạo nên những công trình mang nhiều ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.