Không gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh được thiết kế lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác đem đến trải nghiệm thú vị cho khách tham quan.
Không gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh được thiết kế lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác đem đến trải nghiệm thú vị cho khách tham quan.

Thời gian qua, Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành T.Ư triển khai các công trình nghiên cứu nhằm phát huy lợi thế, xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn, trong đó nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng đã được bàn giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ứng dụng.

Điển hình như, công trình nghiên cứu “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ đá tại CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn” do TS. Nguyễn Thu Hạnh thuộc Liên hiệp hội Khoa học phát triển du lịch bền vững làm chủ nhiệm.

Kết quả của nghiên cứu này đã đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ đá của CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn; đề xuất được mô hình và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch từ đá tại một số khu vực có tiềm năng.

Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu thực tế cũng như tổ chức các hội thảo xin ý kiến chuyên gia, đã đề xuất được tour du lịch "Con đường hạnh phúc - đường dẫn đến trái tim của đá" với 3 bộ sản phẩm du lịch đặc thù từ đá: "Tâm hồn của đá", "Vàng trong đá" và "Hoa trong đá"; đề xuất được một mô hình khu du lịch "Trái tim của đá". Xây dựng được 22 chuyên đề về tiềm năng, định hướng, các yếu tố tác động, mô hình và giải pháp.

Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh sau khi nâng cấp, cải tạo đã ứng dụng công nghệ số tạo hiệu ứng trực quan, sinh động. Các không gian trưng bày được thiết kế lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác, thiết bị hướng dẫn tự động, tiếp cận thông tin trực tuyến, giúp người trải nghiệm dễ dàng tiếp nhận thông điệp và giá trị của di sản qua lăng kính thị giác. 

Tại phòng chiếu phim sử dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping phản ánh chủ đề Hà Giang những dấu mốc lịch sử. Đây là công nghệ mới và hiện đại nhất hiện nay, sử dụng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt tiếp xúc, tạo ra các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều, đem đến trải nghiệm ấn tượng, sâu sắc cho khách tham quan.  

Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực ứng dụng nghiên cứu khoa học trong việc xây dựng, phát triển các mô hình du lịch, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa cho người dân.

Điển hình như mô hình nhà nông làm du lịch, đã thiết kế xây dựng 3 mô hình nhà nông làm du lịch gắn với bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại 3 điểm: Thôn Lô Lô chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn; thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc; thôn Cốc Pảng, xã Du Già, huyện Yên Minh thành làng du lịch cộng đồng có tính đặc thù để khai thác phục vụ du khách.

Hay mô hình du lịch nông nghiệp vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, đã xây dựng 2 mô hình tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ và thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, trực tiếp nâng cao nhận thức cho người dân kiến thức cơ bản về làm du lịch nông nghiệp. Hỗ trợ và phân khu mô hình nông nghiệp, giúp bà con tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bản địa phục vụ du khách...

Xác định rõ vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ phát triển du lịch, trong vài năm trở lại đây, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch, nhất là phát triển du lịch thông minh.

Đến nay, đã xây dựng được bản đồ trực tuyến quản lý không gian du lịch tỉnh Hà Giang. Cài đặt và vận hành thử nghiệm thành công bản đồ trực tuyến cùng với phần mềm hỗ trợ quản lý không gian du lịch Hà Giang trên Website: hagiangmap.tnu.edu.vn, cung cấp thông tin trực tuyến cùng với các công cụ quản lý, khai thác bản đồ tiện lợi trên máy tính và điện thoại di động, giúp du khách dễ dàng trong việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn điểm đến.

Lãnh đạo Sở KH&CN cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các Viện, trường đại học đầu ngành của T.Ư trong việc nâng cao khả năng nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Áp dụng công nghệ số, công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) theo lộ trình bài bản, khoa học tại một số điểm du lịch, có sự phối hợp linh hoạt giữa các ngành, địa phương, nhằm tạo ra những không gian ảo sống động và chân thực, từ đó kích thích thị giác và tác động không nhỏ đến việc lựa chọn điểm đến của du khách.

Tham mưu cho tỉnh xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ, đóng góp quan trọng cho công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch của địa phương.

 Theo NGUYỄN PHƯƠNG (Báo Hà Giang)