Hội nghị diễn ra theo hình thức truyền hình trực tuyến 3 cấp, từ tỉnh đến cấp huyện và xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Tham dự Hội nghị có các đại diện từ Văn phòng thường trực Nhân quyền, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền và Tôn giáo tỉnh, hơn 2.000 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tham dự ở các điểm cầu trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh: Nhân quyền là phạm trù cơ bản của xã hội và ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trọng đời sống chính trị thế giới; bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người giữ vị trí rất quan trọng và là chủ trương nhất quán, xuyên suốt, thể hiện trong hàng loạt văn bản của Đảng, Chính phủ và Hiến pháp năm 2013; là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng nào gần dân, sát dân và liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân thì đó chính là lực lượng đóng vai trò nòng cốt.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh cũng cho biết thời gian qua công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người được triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Do vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, không để phát sinh các vấn đề phức tạp, không để các thế lực thù địch lợi dụng lợi dụng vấn đề nhân quyền tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác nhân quyền có lúc có nơi, có việc còn hạn chế nhất định như nhận thức về vấn đề nhân quyền còn chưa thống nhất, sâu sắc; việc vận dụng quan điểm “kết hợp giữa xây và chống” còn chưa đồng bộ, khép kín. Dự báo thời gian tới, công tác đấu tranh và thúc đẩy nhân quyền trên địa bàn tỉnh bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sẽ phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực và trong nước; các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống Đảng, Nhà nước ta.
Chính vì vậy, Hội nghị tập huấn lần này có ý nghĩa rất quan trọng giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là lãnh đạo, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, tham mưu, thực hiện công tác nhân quyền trên địa bàn toàn tỉnh góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, đối ngoại và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Hội nghị tập huấn được tổ chức trong 1 ngày với 5 chuyên đề. Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị địa phương trong tỉnh, trước hết là các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện công tác nhân quyền một cách tập trung, thống nhất, đồng bộ với chức năng nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn không để các đối tượng xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, “dân chủ”, “nhân quyền” chống phá Đảng, Nhà nước ta; giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đối ngoại ở địa phương.