Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, địa đầu tổ quốc, có đặc trưng điều kiện tự nhiên phân thành 3 vùng: Vùng thứ nhất là khu vực vùng cao núi đá phía Bắc (gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và huyện Mèo Vạc); nơi đây đặc trưng có khí hậu ôn đới nhưng lại ít đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất khá trầm trọng, nhất là trong mùa khô. Tuy nhiên, với đặc trưng núi đá và đã được UNESCO công nhận đưa vào hệ thống mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu - là vùng có nhiều dư địa để phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nông nghiệp nói riêng. Vùng thứ hai - khu vực vùng cao núi đất phía Tây (gồm 2 huyện là Hoàng Su Phì và Xín Mần) là vùng có điều kiện về đất đai, khí hậu để phát triển cây dược liệu, chè shan tuyết. Vùng thứ ba - khu vực vùng núi đất thấp gồm 5 huyện còn lại (Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố Hà Giang), đây là vùng trọng điểm sản xuất nông lâm nghiệp và là vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Thêm vào đó trên 80% dân số của tỉnh sinh sống ở khu vực nông thôn.

Với điều kiện như vậy, nông nghiệp và phát triển nông thôn là một ngành rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang, với tỷ trọng chiếm khoảng 30% GRDP, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 83% so diện tích tự nhiên, lao động nông nghiệp/nông thôn chiếm trên 85% dân số của tỉnh.

W-hagiang.png
80% dân số của tỉnh sinh sống ở khu vực nông thôn.

Thời gian qua, Hà Giang đã xác định mục tiêu cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của tỉnh đạt 3,07%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 4.904,7 tỷ đồng, tăng 3,27%; khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt 4.039 tỷ đồng, tăng 6,06%; khu vực dịch vụ 6.899,5 tỷ đồng, tăng 6,06%. Các lĩnh vực xã hội, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 7,21% so với năm 2022, vượt kế hoạch. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 27.357 lao động, đạt 153,7%.

Trước đó, năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,62%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,8%; chiếm 31,01% cơ cấu kinh tế của tỉnh. GRDP bình quân đầu người đạt 34,24 triệu đồng/người; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 5%/năm.

Đặc biệt, thời gian qua, ngành nông nghiệp càng ngày càng thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh trong đại dịch COVID-19; là nơi tránh trú cho lao động các khu công nghiệp trở về địa phương trong đại dịch; cơ bản tự đảm bảo được an ninh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Góp phần vào những kết quả này, hệ thống khuyến nông tỉnh Hà Giang đã phát huy được vai trò là cầu nối giữa nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nhân dân và thị trường, là lực lượng  quan trọng tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của tỉnh, của huyện; cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân…

Hoạt động công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã có  những đổi mới về hình thức, phương pháp và nâng cao chất lượng nhằm phù hợp với trình độ, nhận thức của người dân và chủ trương phát triển kinh tế của địa phương. Từng bước thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất, từ chỗ sản xuất tự phát theo phong trào, sang sản xuất có chủ đích theo nhu cầu thị trường. Một số sản phẩm chủ lực từng bước được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định, khẳng định được thương hiệu, phát triển được thị trường, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực cho phong trào phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới tại tỉnh ta.

Hoạt động khuyến nông đã từng bước giúp  nông dân và các tổ chức sản xuất chuyển đổi tư duy kinh tế trong sản xuất nông lâm nghiệp; tiếp cận và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; nâng cao  năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới tại tỉnh vùng cao, biên giới Hà Giang.

Bước vào giai đoạn mới trong hành trình xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh Hà Giang nhấn mạnh vai trò của khuyến nông trong việc tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông, trong đó chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với cấp huyện để triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương và của Tỉnh đến cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật và tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển sản xuất bền vững gắn với nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và là cầu nối tư vấn, dịch vụ khuyến nông, xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương đưa các mặt hàng nông sản, các sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh giới thiệu, quảng bá, tiếp cận đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu thụ sản phẩm cho nông dân…