Mua bán người được Liên hợp quốc xếp hạng là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay, có nguồn thu bất chính cao chỉ đứng sau tội phạm ma tuý và buôn bán vũ khí. Ngoài ra, mua bán người còn là hành vi gây nguy hại cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, coi nạn nhân như một món hàng để kiếm lời.
Trước những phương thức, thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này, tỉnh Hà Giang đã tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn, phòng, chống mua bán người.
Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế, song vẫn tiềm ẩn phức tạp. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã thụ lý điều tra gần 30 vụ liên quan đến hành vi mua bán người.
Công tác điều tra, khám phá các vụ án cho thấy, đối tượng phạm tội phần lớn là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật hạn chế, không có việc làm ổn định, có lối sống thích hưởng thụ, sa đà vào các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, các phương thức, thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm này là lợi dụng các mối quan hệ sẵn có để tiếp cận những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đang muốn tìm việc làm với mức thu nhập cao, sau đó dụ dỗ, hứa hẹn giúp đỡ, đặt vấn đề yêu đương rồi lừa bán nạn nhân.
Để đấu tranh với tội phạm mua bán người có hiệu quả, các cấp, ngành trong tỉnh Hà Giang tích cực triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn của tội phạm và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn.
Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng như: Tổ chức tuyên truyền lưu động; tuyên truyền qua các buổi họp thôn, chợ phiên, trường học, hay qua các hội thi, diễn đàn…
Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của nhân dân được nâng lên, cảnh giác hơn với phương thức, thủ đoạn của tội phạm; đồng thời kịp thời tố giác, báo tin, hợp tác với cơ quan chức năng. Vì vậy, từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận hơn 20 tin báo, tố giác tội phạm về mua bán người, trong đó nhiều tin có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, phá án.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, rà soát, thu thập thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người. Phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài nhằm phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, điều tra và xử lý tội phạm.
Lực lượng chức năng tập trung thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Các vụ án được điều tra, giải quyết đảm bảo đúng tiến độ, đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Cùng với đó, công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng được tỉnh Hà Giang chú trọng chỉ đạo triển khai, qua đó mang lại hiệu quả tích cực.
Điển hình lực lượng Công an thường xuyên duy trì tổ chức giao ban theo định kỳ, trao đổi thông tin về tội phạm mua bán người, giải cứu các nạn nhân và phối hợp điều tra, xác minh các vụ mua bán người với Công an Trung Quốc. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành kêu gọi, vận động Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (BDCF/Úc) tài trợ Dự án “Phòng, chống mua, bán người” tại Hà Giang với tổng kinh phí đã giải ngân gần 16 tỷ đồng.
Song song với các giải pháp trên, tỉnh Hà Giang cũng đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. Từ năm 2020 đến nay, ngành chuyên môn đã hỗ trợ hơn 170 nạn nhân bị mua bán được hưởng các chính sách theo quy định, trong đó các nạn nhân được kiểm tra sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, chi phí sinh hoạt, lương thực hàng tháng, cây, con giống để phát triển kinh tế. Đặc biệt, có 13 nạn nhân tại các huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Đây là những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, kịp thời động viên, giúp các nạn nhân sớm ổn định tinh thần, vượt qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống. Hơn thế, họ sẽ là nhân chứng để tuyên truyền đến cộng đồng trong công tác phòng, chống mua bán người.
Thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, trong đó tập trung vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; tổ chức các hoạt động, chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho người dân; thực hiện tốt công tác phối hợp quốc tế về phòng, chống mua bán người.
Thanh Hải