Xếp thứ 26/63 tỉnh/thành phố có chỉ số chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 749của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hà Giang luôn chủ động triển khai các nội dung liên quan đến chuyển đổi số.
Theo đó, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và đạt được kết quả nổi bật.
Mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT Index) ở mức khá so với các tỉnh/thành phố trên toàn quốc; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 80,62%; tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 66,38%.
Tỷ lệ các cơ quan hành chính có trang/cổng thông tin điện tử đạt 100%; tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan đạt 100%, văn bản điện tử ứng dụng chữ ký số đạt 60%; tỷ lệ UBND cấp huyện, xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.
Kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế và dịch vụ, du lịch với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.
Hạ tầng xã hội số có bước phát triển: 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm; số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 2.418 trạm (783 trạm 2G, 932 trạm 3G, 703 trạm 4G); tỷ lệ xã, phường thị trấn có mạng internet băng thông rộng đạt 98%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%; người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, hình thành văn hóa trên môi trường số.
![]() |
Tỉnh Hà Giang luôn chủ động triển khai các nội dung liên quan đến chuyển đổi số. Ảnh minh họa |
Với kết quả trên, Hà Giang được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số chuyển đổi số Hà Giang đứng thứ 26/63 tỉnh/thành phố.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài
Dù đạt được một số thành tựu song quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử chậm hoàn thiện. Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế; số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp; quản lý thông tin trên không gian mạng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho hay, Tỉnh xác định chuyển đổi số là giải pháp nền tảng để phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN; coi đây là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là nhân tố quan trọng tạo sự đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh.
Tỉnh nhận diện thách thức lớn nhất của chuyển đổi số đó là làm sao để có nhận thức đúng cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiêp, đông đảo người dân và khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đó là thay đổi thói quen.
Đối với các cơ quan Nhà nước, sự thay đổi là nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu, là chuyện dám làm hay không dám làm. Đối với mỗi người dân, đòi hỏi thay đổi kỹ năng và thói quen. Thách thức lớn nhất cho xã hội trước mắt là kỹ năng số của người dân, sau đó là thói quen và văn hóa sống trong môi trường số. Đối với mỗi doanh nghiệp, sự thay đổi đòi hỏi phải triển khai các giải pháp công nghệ số, có những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Do đó, thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp là tìm kiếm nền tảng chuyển đổi số toàn diện.
Thực tế cho thấy, Hà Giang vẫn còn là tỉnh nghèo, khó khăn nhất cả nước với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không thuận lợi cho phát triển KT-XH. Địa hình hiểm trở, bị chia cắt lớn, giao thông không thuận tiện… dẫn tới nhiều khó khăn trong triển khai hạ tầng số. Dân cư sinh sống phân tán nên việc cung cấp các dịch vụ cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, tỉnh có đông dân tộc cùng chung sống, vì vậy trình độ văn hóa không đồng đều, thu nhập trung bình thấp, nguồn thu chủ yếu từ sự hỗ của T.Ư nên việc cân đối nguồn lực dành cho chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn do phải đảm bảo các lĩnh vực khác.
Những khó khăn đó đặt ra thách thức lớn cho tỉnh cần phải thay đổi về tư duy, nhận thức của mọi tầng lớp xã hội; phải thu hút được nguồn lực; đào tạo nhân lực; xây dựng thể chế/khung pháp lý, hành lang chính sách về công nghệ thông tin và huy động sức mạnh của toàn dân trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Thanh Hải