Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh Hà Giang ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình thúc đẩy việc phát triển du lịch, như: Chương trình số 62-CTr/TU, ngày 29-3-2013, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2013 - 2020”; Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, ngày 29-9-2015, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020, “Về xây dựng chương trình phát triển du lịch bền vững”; Chương trình hành động số 29-CTr/TU, ngày 24-7-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 2-8-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025”…
Với sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt có được sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, ngành du lịch tỉnh Hà Giang đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất, các sản phẩm du lịch phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động được 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu, một số làng thu hút được lượng khách lớn đến tham quan (1). Đặc biệt, năm 2017, cơ sở homestay Dao Lodge ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã vinh dự được nhận danh hiệu “nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn ASEAN”, là một dấu ấn khẳng định về chất lượng và thương hiệu của dịch vụ cung ứng du lịch.
Các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch được quan tâm, phát triển, tổ chức bài bản, thu hút được đông đảo du khách nội địa và du khách quốc tế. Một số lễ hội được tổ chức thường niên tạo được ấn tượng sâu sắc với du khách như: Lễ hội hoa tam giác mạch; tuần văn hóa di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Festival Khèn Mông; ngày hội văn hóa các dân tộc;... đã trở thành thương hiệu của ngành du lịch Hà Giang có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhiều dự án văn hóa, lễ hội được phục dựng, bảo tồn và duy trì hằng năm, như: Lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày.
Nhiều dự án bảo tồn và phát triển du lịch được triển khai đồng bộ, như: Dự án “Bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”; dự án “Phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2020” và “Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Bố Y”... Một số tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểu được tiến hành khảo sát và đưa vào khai thác, như: Chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh gắn với danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; tuyến đi bộ ngắm cảnh đèo Mã Pì Lèng tại xã Pải Lủng và Pả Vi, huyện Mèo Vạc; làng du lịch cộng đồng đa trải nghiệm; khảo sát xây dựng tuyến đạp xe tại thôn Thiên Hương, Má Pắng; hoạt động giải trí, dã ngoại tại khu vực đường vách trắng tại Mã Pì Lèng; chèo thuyền kayak và du thuyền trên sông Nho Quế thám hiểm di sản hẻm vực Tu Sản; bay dù lượn trên Công viên địa chất; bay khinh khí cầu tại thành phố Hà Giang; nhảy dù, đu dây mạo hiểm ở Pa’ Piu…
Thứ hai, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch ngày càng đáp ứng được yêu cầu phát triển, đi vào thực chất.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, lao động trong lĩnh vực du lịch ngày càng được nâng cao, có những bước chuyển mới tích cực. Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Hà Giang đến năm 2025 được phê duyệt, các cấp, các ngành phối hợp thực hiện quyết liệt đã phát huy được tính hiệu quả. Hằng năm, ngành du lịch của tỉnh mở và duy trì từ 15-17 lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn về các lĩnh vực quản lý lưu trú, buồng, phòng, lễ tân, chế biến món ăn, dịch vụ du lịch tại các làng du lịch cộng đồng, tiếng Anh giao tiếp, hướng dẫn viên du lịch tại điểm của các doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý nhà nước. Mỗi năm bổ sung được hơn 600 nhân lực phục vụ cho việc phát triển du lịch. Đến nay, tổng số lao động trong ngành du lịch trên địa bàn tỉnh là 12.000 người, trong đó lao động trực tiếp là 6.000 người, là nguồn lực quan trọng góp phần đưa du lịch tỉnh Hà Giang phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ ba, công tác thông tin, quảng bá du lịch được đổi mới, mở rộng phạm vi và quy mô, nâng cao về chất lượng.
Thời gian qua, các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch được thực hiện bằng nhiều hình thức vừa truyền thống, vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Nội dung và hình thức quảng bá được đổi mới sáng tạo, hấp dẫn, thân thiện đã tạo được tính lan tỏa lớn, đặc biệt là chủ trương mỗi du khách là một tuyên truyền viên, quảng bá cho du lịch Hà Giang, đã thu hút được đông đảo du khách đến Hà Giang. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức và tham gia các chương trình, sự kiện thương mại - văn hóa - du lịch; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về phát triển du lịch có tính liên vùng và quốc tế, trong đó có hội nghị xúc tiến và không gian văn hóa du lịch Hà Giang tại một số tỉnh, thành phố trong nước, như: Cần Thơ, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…; chương trình xúc tiến du lịch - thương mại Hà Giang tại nước ngoài, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Pháp, Nga…
Thông qua đó, tỉnh giới thiệu các giá trị không gian văn hóa, con người và du lịch của Hà Giang tạo sức lan tỏa lớn, nhận được đánh giá cao của các ban, bộ, ngành Trung ương. Ngành du lịch còn chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung ương và tỉnh xây dựng phim quảng bá “Hà Giang những cung đường chân mây”; “Trái tim của đá”…; tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện, hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch, kết nối và đề nghị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hỗ trợ truyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin, ấn phẩm, tạp chí, hệ thống pano tại các sân bay, nhà ga và trên các chuyến bay, chuyến tàu trong nước và quốc tế.
Thứ tư, tích cực trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư trong phát triển du lịch.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số vốn đầu tư cho các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh là 1.256,072 tỷ đồng, trong đó, từ nguồn ngân sách trung ương là 646,829 tỷ đồng, từ nguồn vốn dự phòng chung ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 là 45 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cho xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là 564,243 tỷ đồng. Nguồn ngân sách địa phương đầu tư xây dựng dự án là 93,052 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú, làng văn hóa du lịch cộng đồng ước đạt 500 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, một số dự án đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động tương đối có hiệu quả. Một số dự án lớn đã được chứng nhận đăng ký đầu tư và tiếp tục mời gọi hoàn thiện một số dự án đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm. Ngoài ra, tỉnh còn chủ trương tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi, hỗ trợ kết cấu hạ tầng du lịch (điện, đường...), đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhờ đó đã xây dựng và phát triển được hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có hiệu quả cao, nhiều hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư xây dựng và chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thứ năm, hợp tác liên kết vùng du lịch và xã hội hóa để phát triển du lịch được chú trọng, đã có những tín hiệu tích cực.
Tỉnh chú trọng và chủ động tham gia các hoạt động, sự kiện thường niên trong khuôn khổ chương trình hợp tác song phương, đa phương với các địa phương có thị trường du lịch tiềm năng và các tỉnh giáp ranh trong khối liên kết, đặc biệt là 6 tỉnh Việt Bắc và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng các dự án phục vụ du lịch sinh thái gắn với khai thác lòng hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh được tổ chức.
Bên cạnh đó, tỉnh tham gia các hoạt động trong chương trình, lễ hội, liên hoan do Trung ương và khu vực tổ chức, ký kết với các đơn vị, địa phương hợp tác phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá; kêu gọi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng góp vào chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững tại địa phương; phối hợp với các đại sứ quán, cho phép phóng viên nước ngoài đến thực hiện ghi hình giới thiệu du lịch, văn hóa Hà Giang; chủ động liên kết, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia nằm trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu nhằm kêu gọi đầu tư như Nhật Bản, Malaysia, Pháp, Đức, Canada, Australia,… tăng cường quan hệ hợp tác với các công viên địa chất khác trong khu vực và trên thế giới.
Mở rộng thị trường phát triển du lịch quốc tế; ký kết hợp tác phát triển văn hóa, du lịch với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); hợp tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch lớn của nhau và cùng xây dựng, khai thác tuyến du lịch; tăng cường hợp tác về quản lý thị trường du lịch; giao lưu, trao đổi nghiệp vụ quản lý văn hóa, thể thao, du lịch trên cơ sở các biên bản thỏa thuận đã ký kết.
Song song đó, tỉnh phối hợp tổ chức các đoàn doanh nghiệp du lịch sang khảo sát các tuyến du lịch và tổ chức diễn đàn trao đổi thông tin du lịch; triển khai Kế hoạch khảo sát xây dựng sản phẩm kết nối tuyến du lịch Hà Giang (Việt Nam) với Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tỉnh cũng tích cực, chủ động tham gia chuỗi các hoạt động của Chương trình phát động thị trường du lịch tại Nhật Bản; thu hút nhiều nhà đầu tư các dự án lớn vào lĩnh vực du lịch và kêu gọi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tư, viện trợ các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội vào Hà Giang.
Văn Thường, Thu Huyền, Duy Linh