Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở tỉnh Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Theo đó, Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang đã có nhiều hoạt động phối hợp với ngành giáo dục đào tạo tham mưu cho tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác khuyến học; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục như phổ cập, duy trì phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS các mức độ 1, 2, 3, xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, cụ thể hóa triển khai thực hiện công tác khuyến học, góp phần xây dựng xã hội học tập
Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, tiêu biểu trong các phong trào thi đua được lan tỏa trong cộng đồng, như tổ chức hội, chi hội khuyến học, các gia đình, dòng họ học tập; gia đình cán bộ, đảng viên là tấm gương trong học tập suốt đời…
Xác định xây dựng Quỹ khuyến học là nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự thành công của công tác khuyến học, khuyến tài, thời gian qua, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh Hà Giang cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong vận động đóng góp, xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả Quỹ khuyến học. Với các hoạt động như: Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ; quyên góp đồ dùng học tập, xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng các Ống tiết kiệm, Quỹ tình thương...
Trong năm 2023, các cấp Hội đã vận động được hơn chục tỷ đồng để tổ chức trao học bổng, khen thưởng cho trên 61 nghìn học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Ngoài ra, Ban Khuyến học các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, Hội khuyến học cấp cơ sở đã triển khai, vận động thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em có thêm điều kiện đến trường học tập, điển hình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận đỡ đầu 326 trẻ, lực lượng vũ trang đỡ đầu 51 trẻ…
Các mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập được triển khai hiệu quả, gắn với nội dung của các cuộc vận động như xây dựng gia đình văn hóa, toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 4.052 hội, chi hội, ban khuyến học với tổng số 330.909 hội viên, chiếm tỷ lệ 35,36% dân số toàn tỉnh. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 125.071 Gia đình học tập; 1.406 Dòng họ học tập; 1.484 Cộng đồng học tập; 821 Đơn vị học tập.
Đến nay, toàn tỉnh cũng duy trì 193 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn. Các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong nhà trường góp phần tích cực vào việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.
Các hoạt động hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, động viên giáo viên giỏi được duy trì. Việc huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đẩy mạnh, nhất là ở các trường phổ thông dân tộc bán trú, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
Thời gian tới, Hà Giang cũng đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác khuyến học như: Sở GD-ĐT Hà Giang tổ chức tuyên truyền lồng ghép hoạt động khuyến học vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động tại các Trung tâm học tập cộng đồng, triển khai kế hoạch xây dựng "Đơn vị học tập", "Xã hội học tập" và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ hằng năm và giai đoạn trên địa bàn tỉnh.
Đài phát thanh – Truyền hình Hà Giang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, sử dụng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng; tập trung xây dựng tin, bài, phóng sự, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền về những tấm gương sáng, mô hình hay trong công tác khuyến học, khuyến tài, phát trên sóng và trên nền tảng số của Đài như Zalo, Facebook, Youtube để thu hút người xem, người nghe.
Đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập về công tác tuyên truyền khuyến học, khuyến tài; cử cán bộ, phóng viên đi học tập, nghiên cứu kinh nghiệm tuyên truyền ở các địa phương.