Tỉnh Hà Giang luôn xác định việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát huy tinh thần học tập là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, trong đó cán bộ, đảng viên, gia đình, dòng họ, hội viên... là những yếu tố quan trọng xây dựng nền tảng hiếu học, gìn giữ, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Hà Giang trong thời kỳ mới.
Trên tinh thần đó, tỉnh đặt mục tiêu, tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập; bảo đảm năm 2024 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong, văn hóa nghề nghiệp…
Tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục chính quy và không chính quy, thiết chế văn hóa, các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các đối tượng học tập suốt đời. Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, hoàn thành các mục tiêu của Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030". Thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người dân, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc. Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập…
Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, bám sát các văn bản chỉ đạo, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác trong năm với những giải pháp cụ thể, sát tình hình thực tế, phù hợp đặc điểm của địa phương để triển khai, phân công, tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tiêu biểu như Hội Khuyến học tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức xã hội tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn phát động và tích cực hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng xã hội học tập, từng bước xây dựng tỉnh Hà Giang thành một xã hội học tập gắn với phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.
Tỉnh đã tổ chức được trên 120 lớp tập huấn với 6.578 lượt người tham gia; 62 lần Hội thảo với hơn 6.020 lượt người tham gia; 283 Hội nghị với 10.900 lượt người tham gia, điển hình như: Hội Khuyến học thành phố, Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê, Hoàng Su Phí, Quang Bình...
Đến nay, đã có 138.068/187.624 Gia đình học tập đạt 73,58% số gia đình trong toàn tỉnh; có 1564/2263 Dòng họ học tập đạt 69,1% số dòng họ trong toàn tỉnh; có 1.681/2.069 Cộng đồng học tập đạt 81,2% số cộng đồng trong toàn tỉnh; có 818/834 Đơn vị học tập đạt 98% số đơn vị trong toàn tỉnh; 115.071 Công dân học tập đạt 16,2 % số công dân trong toàn tỉnh; tổng số Hội viên toàn tỉnh: 337.294/935.700 đạt 36% (tăng 0,64% = 6.385 người) so với năm 2023, trong đó đảng viên là hội viên là 29.245 người….
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về xây dựng xã hội học tập, nhất là đối với học sinh trong độ tuổi đến trường. Vận động người mù chữ, tái mù chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ. Tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng cơ chế khuyến khích người có kinh nghiệm, có kiến thức và những cán bộ nghỉ hưu tham gia các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, các trung tâm học tập cộng đồng ưu tiên các trường vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; đáp ứng đủ phòng học cho học sinh. Quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp bếp ăn, công trình vệ sinh; trang bị phòng học ngoại ngữ, tin học, âm nhạc cho các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở theo hướng kiên cố hóa và theo các tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, đảm bảo các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận công nghệ thông tin để tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trang bị tài liệu, tủ sách cho các trung tâm học tập cộng đồng nhằm tăng cường củng cố kết quả xóa mù chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội để người dân tiếp cận với các tài liệu hướng dẫn về giáo dục pháp luật, trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân. Củng cố, phát triển các trung tâm ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ, tin học của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và quản lý phổ cập giáo dục; 100% các xã, phường, thị trấn khai thác sử dụng hệ thống phần mềm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ một cách triệt để và hiệu quả. Đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng. Tăng cường công tác phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, hội và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập.
Minh Yến