Nhiều khách sạn có tiếng ở Nha Trang (Khánh Hòa) hạ giá bất thường để thu hút khách Trung Quốc nhưng cơ quan chức năng không phạt được.
“Nhiều cơ sở dịch vụ, nhất là các khách sạn thường xuyên phục vụ số lượng lớn khách Trung Quốc (TQ) bán giá chỉ bằng 30%-50% so với giá niêm yết”. Ngày 11-7, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho biết thông tin bất thường này sau khi kết thúc đợt kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật tại chín đơn vị kinh doanh lưu trú, lữ hành, cửa hàng kinh doanh dịch vụ du lịch chủ yếu phục vụ khách TQ ở Nha Trang.
Thu khách Trung Quốc bèo, “chém” khách Việt
Kết quả kiểm tra cho thấy khách sạn năm sao Mường Thanh Nha Trang Center niêm yết giá các loại phòng 3-4 triệu đồng nhưng chỉ báo cáo thuế 1,1-1,2 triệu đồng. Khách sạn bốn sao VDB Nha Trang niêm yết giá phòng 1,5-1,9 triệu đồng nhưng giá thực thu theo hợp đồng, báo cáo chỉ 750.000-800.000 đồng. Tương tự, khách sạn ba sao Calm Seas niêm yết giá phòng từ 900.000 đến 1,4 triệu đồng, chỉ thực thu theo hợp đồng, báo cáo thuế 480.000-550.000 đồng.
Theo ông Lê Kim Nhựt, Chủ tịch diễn đàn xúc tiến du lịch Nha Trang, nhiều khách sạn hạ giá dịch vụ lưu trú cho khách TQ nhưng các doanh nghiệp lữ hành rất khó khăn đặt phòng cho khách nội địa. Nhiều đoàn khách nội địa phải trả giá phòng cao hơn khách TQ 40% khi đến Nha Trang. Vì thế, vừa qua nhiều đoàn khách nội địa đã đến điểm du lịch khác thay vì chọn Nha Trang như kế hoạch ban đầu. “Các doanh nghiệp lữ hành TQ hứa với các khách sạn sẽ đưa số lượng lớn khách đến Nha Trang nên khách sạn sẵn sàng hạ giá. Trong khi, các đơn vị nội địa gần như không có kế hoạch dài hạn nên phải chấp nhận giá phòng rất cao” - ông Nhựt giải thích.
Ông Nguyễn Bé, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc các cơ sở chuyên phục vụ khách TQ bán giá thấp hơn giá niêm yết là không sai nên cơ quan chức năng không xử lý. “Họ hạ giá để hợp đồng lâu dài với các đơn vị lữ hành. Tuy nhiên, việc này chỉ có lợi trước mắt nhưng gây thiệt hại lớn về lâu dài. Cụ thể, việc hạ giá bất thường làm nguồn thu thuế bị giảm sút và gây thiệt hại đối với các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, cạnh tranh bằng hạ giá sẽ dẫn đến giảm dịch vụ, chất lượng, làm mất uy tín du lịch Nha Trang. Về lâu dài, khách sẽ không đến Nha Trang nữa” - ông Bé nhận xét.
Nhiều cơ sở phục vụ khách TQ đua nhau hạ giá bán hút khách. Trong ảnh: Khách TQ chen nhau tại một cơ sở dịch vụ du lịch ở Nha Trang. |
Nguy cơ du lịch Nha Trang mất thương hiệu
Theo ông Phạm Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Khánh Hòa, Nhà nước không quy định giá bán mà chỉ quy định bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, việc hạ giá này cần được xử lý theo Luật Cạnh tranh. Mặt khác, việc các cơ sở chuyên phục vụ khách TQ bán hàng thấp hơn giá niêm yết cũng đặt ra vấn đề chất lượng hàng hóa. Do đó, Chi cục QLTT Khánh Hòa đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành đợt kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa tại các cơ sở trên.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho rằng phần lớn hàng hóa trong các cơ sở trên có nguồn gốc từ TQ đưa qua hoặc làm giả. “Điều bức xúc nhất là các cơ sở đó bày bán nhiều sản phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhưng gắn thương hiệu Nha Trang. Họ niêm yết bằng nhân dân tệ với giá bán cao ngất nhưng hầu như chưa ai kiểm định chất lượng. Các doanh nghiệp lữ hành TQ, các doanh nhân TQ núp bóng người Việt đưa khách nước họ vào các cơ sở dịch vụ này để thu được lợi nhuận lớn. Du khách TQ ít hiểu biết về Khánh Hòa sẽ bị thiệt nhưng bị thiệt hại lớn nhất là những thương hiệu sản phẩm của Khánh Hòa” - ông Tưởng nhấn mạnh.
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng nhìn nhận việc hạ giá không bình thường để giành khách là một chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở dịch vụ phục vụ khách TQ. “Kiểu hạ giá vô tội vạ để giành khách như thế này sẽ làm giảm chất lượng các sản phẩm du lịch, làm mất thương hiệu du lịch Nha Trang. Tỉnh Khánh Hòa sẽ phát huy vai trò của hiệp hội du lịch để các thành viên cùng cam kết giữ giá, tăng chất lượng dịch vụ. Chủ trương chung là giữ được thương hiệu du lịch Nha Trang theo hướng đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp” - ông Hải nói.
Không phạt khách Trung Quốc giật nón chị bán chuối
“Qua xác minh cho thấy không có cơ sở xử lý vụ du khách TQ có hành vi giật nón chị bán chuối giữa đường”. Ngày 11-7, Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng), cho biết. Công an đã làm việc với đoàn khách TQ, nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái và người bán chuối. “Hành động của nhóm khách TQ là cách hành xử không đẹp chứ không có vi phạm pháp luật. Nguyên nhân một phần là do bất đồng ngôn ngữ. Sự việc này không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Đà Nẵng nên chúng tôi không xử phạt” - ông Hương nói. Như đã thông tin, sáng 4-7, một nhóm khách TQ hỏi mua chuối của một chị bán dạo trên đường Phan Châu Trinh (quận Hải Châu). Khách bẻ chuối ăn và trả bằng tiền nhân dân tệ để thanh toán nhưng chị bán chuối không chịu. Nhóm này rút tờ 50.000 đồng ra trả và chị bán chuối thối lại 10.000 đồng (giá 40.000 đồng/nải chuối). Tuy vậy, nhóm này không chịu và hai bên xảy ra cãi vã. Một người TQ giật lấy gánh hàng, giật nón chị bán chuối. Nhạc sĩ Khoái chứng kiến nên can thiệp và quay clip phản ánh lên Facebook. Trong đợt kiểm tra vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện một số doanh nghiệp, cơ sở chuyên phục vụ khách TQ niêm yết giá vừa bằng Việt Nam đồng vừa bằng nhân dân tệ, ghi hóa đơn bán hàng cho khách bằng tiếng Trung Quốc theo nhân dân tệ. Sai phạm điển hình này xảy ra tại Công ty TNHH Thái Hòa (phường Vĩnh Hải, Nha Trang) chuyên bán hàng lưu niệm. Sở Tài chính đã lập biên bản, chuyển Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa tiếp tục kiểm tra, xử lý theo quy định. |
(Theo Pháp Luật TP.HCM)