- Ở Hà Tĩnh, chỉ trong 3 tháng gần đây (tháng 5, 6, 7/2014) đã xẩy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của 15 trẻ em. Nếu tính từ đầu năm đến nay thì số trẻ chết đuối tại Hà Tĩnh đã lên tới 22 trường hợp. Một con số đáng báo động nhưng dường như biện pháp để cải thiện tình trạng này vẫn đang "giậm chân tại chỗ".
Những cái chết thương tâm
Hàng năm, vào dịp nghỉ hè là thời điểm học sinh có nhiều thời gian vui chơi, lại ít được sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người lớn nên đã dẫn tới những vụ đuối nước đáng tiếc.
Trẻ em rất dễ bị đuối nước trong những ngày hè khi đùa chơi nơi sông nước. |
Theo số liệu từ phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Sở Lao động thương binh xã hội Hà Tĩnh, tính tới giữa tháng 7/2014, đã có 22 trẻ em tử vong do đuối nước.
Trường hợp đuối nước mới nhất xảy ra tại huyện Cẩm Xuyên làm hai anh em họ tử vong thương tâm.
Ông Trần Bá Tý, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa cho biết, sáng ngày 11/7, đang trong dịp hè nên em Trần Hữu Quân (13 tuổi, trú tại xã Cẩm Yên) xin phép gia đình cho xuống nhà của Nguyễn Văn Hoàng (9 tuổi, hiện đang học lớp 3 trường Tiểu học xã Cẩm Hòa) chơi.
Tới trưa, khi cả gia đình nghỉ trưa, hai em đã rủ nhau ra tắm ở bãi biển thôn Mỹ Hòa (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, đến quá trưa, gia đình vẫn không thấy 2 em trở về nên cả nhà đã hốt hoảng đi tìm. Đến khoảng 15h chiều cùng ngày, gia đình và người thân như chết lặng khi phát hiện thi thể của Hoàng và Quân tại biển thôn Mỹ Hòa.
Hay trước đó, ngày 21/6, trong lúc đi bắt hàu, 4 nữ sinh đang theo học tại trường THCS Kỳ Trinh là Đậu Thị Đào, Trần Thị Ninh, Nguyễn Thị Chi và Võ Thị Thanh Nga (đều trú ở xóm Hòa Lộc, xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh) không may trượt chân xuống sông dẫn tới tử vong.
Cách đó không lâu, vào chiều 23/5, hai em là Nguyễn Bảo Thắng (SN 2001) và Nguyễn Mạnh Hùng (SN 2001, cùng ngụ xóm Nam Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) rủ nhau đi bắt ốc tại sông Cày (Thạch Hà) nhưng không may trượt chân, rơi xuống hố sâu bên sông. Khi mọi người chạy phát hiện thì đã quá muộn.
Tình trạng đáng báo động
Những vụ tai nạn thương tâm cũng như những con số thống kê đã phần nào nói lên thực trạng đáng báo động về những tai họa đang đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của trẻ em.
Người nhà khóc ngất vì sự ra đi đột ngột của các em nhỏ (ảnh chụp đưa tang 4 nữ sinh ở xã Kỳ Trinh chết đuối khi bắt ốc). |
Thế nhưng dù đã được cảnh báo nhiều nhưng tình trạng đuối nước ở học sinh trong kỳ nghỉ hè vẫn không ngừng tăng. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra các khu vực đồng, sông, suối vui chơi, phụ giúp gia đình chăn trâu bò, mò cua, bắt ốc nên càng dễ xảy ra tai nạn.
Thầy Phạm Khắc Sơn, Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Trinh (nơi 4 nữ sinh không may tử vong vào ngày 21/6 đang theo học) cho biết, môn bơi đã được vào chương trình dạy học theo hình thức tự chọn.
Tuy nhiên, đó chỉ mới dạy về lý thuyết, chứ lại thiếu địa điểm để thực hành. Và các em cũng chú trọng tới các môn văn hóa hơn nên rất ít em chọn môn bơi. Hơn nữa cơ sở vật chất các trường còn thiếu thốn thì làm gì nghĩ tới chuyện xây dựng bể bơi.
Trao đổi với VietNamNet, ông Tô Quang Quyền, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (sở Lao động thương binh xã hội Hà Tĩnh) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới vụ đuối nước thương tâm là do các em chưa được học bơi kỹ càng, khi gặp phải sự cố thì không biết cách xử lý dẫn tới những sự việc đáng tiếc.
Hiện nay, việc dạy bơi cho trẻ là rất cấp bách, đã được đưa vào chương trình giảng dạy của các trường.
Tuy nhiên, vì cơ sở vật chất của các trường còn thiếu thốn, không có bể bơi (chỉ có trường tiểu học Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh có bể bơi dành cho việc dạy và học), còn một số trường khác thì vận dụng các bãi biển, hồ để dạy cho học sinh, tuy nhiên số lượng này vẫn còn ít nên việc dạy bơi gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, phía gia đình và ngay bản thân các em học sinh cũng không quá coi trọng việc học bơi. Có nhiều em đã tự mày mò học bơi, lúc bình thường có thể bơi rất tốt nhưng nếu gặp phải tình huống thì các em lại không biết cách xử lý hoặc cố gắng cứu nhau nên rất nguy hiểm - ông Quyền nói.
Văn Đức