Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý với giá trị danh mục hơn 1,5 tỷ USD, vừa công bố báo cáo hoạt động tuần 15-22/8 với những thay đổi đáng chú ý.
Theo đó, đây là lần đầu tiên cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng lọt top 10 cổ phiếu lớn nhất trong danh mục của VEIL với tỷ trọng 2,88%.
Trong khi đó, cổ phiếu Vinhomes (VHC) - một công ty con của Vingroup quản lý mảng bất động sản của ông Vượng đứng ở vị trí thứ 2 với tỷ trọng 7,78%.
Tính tổng, bộ đôi cổ phiếu Vingroup và Vinhomes của ông Phạm Nhật Vượng chiếm 10,66% danh mục đầu tư của VEIL.
Không chỉ VEIL, gần đây nhiều quỹ cũng tăng tỷ trọng nhóm 3 cổ phiếu Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong danh mục đầu tư của mình. Trong đó, Tundra Vietnam Fund từ đầu năm tới nay đã tăng gần gấp đôi tỷ lệ phần trăm nhóm cổ phiếu này lên 15%.
Hồi cuối tháng 5, Vingroup và doanh nghiệp con của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn thành phát hành riêng lẻ và bán tổng cộng 205,4 triệu cổ phiếu VIC cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc thu về 23 ngàn tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). SK Group trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup.
Nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng tăng giá ấn tượng. |
Cổ phiếu VIC gần đây vẫn tăng mạnh và lên đỉnh lịch sử 126.100 đồng/cp hôm 22/8 vừa qua, giúp khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 10 tỷ USD.
Tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng gần đây mở rộng hoạt động trên hầu khắp các lĩnh vực, từ các mảng sinh lời cho tới phi lợi nhuận.
Trong 2 năm trở lại đây, Tập đoàn VinGroup không chỉ bó gọn trong lĩnh vực bất động sản mà đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ như sản xuất ô tô, smartphone, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu bộ gen người Việt hay thậm chí là bóng đá.
Vingroup gần đây tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn chưa từng, trong đó có dự án lập hãng hàng không Vinpearl Air với một khâu chuẩn bị khá ấn tượng: lập học viện hàng không và tuyển sinh 400 học viên phi công hóa 1.
Hồi cuối tháng 7, tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã chính thức nắm quyền tổ chức Giải đua xe Công thức 1 (F1) tại Việt Nam sau khi nhận chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam Grand Prix. Cái tên Phạm Nhật Vượng và hình ảnh về xe ô tô Vinfast sẽ được nhắc tới nhiều trên các tiện truyền thông quốc tế suốt chặng đua Formula 1 Vietnam Grand Prix từ ngày 17/7/2020 tại Mỹ Đình.
Tập đoàn của ông Vượng cũng đã đặt chân vào bất động sản Vân Đồn sau đề nghị của Vincom Retail trong việc nghiên cứu quy hoạch và đầu tư dự án trung tâm thương mại và nhà ở thấp tầng tại thị trấn Cái Rồng...
Gần đây, ông Phạm Nhật Vượng sắp xếp tổ chức lại các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình. Vingroup cũng vừa nhận sở hữu nhận chuyển nhượng vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco (vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng), nâng sở hữu tại VinEco từ 5% lên 99%. Sở hữu của Vinpearl (cũng thuộc Vingroup) giảm từ 95% xuồng còn 1%.
Giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng hiện đã vượt qua vốn hóa gần như toàn bộ các doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam như: Vinamilk, GAS, Sabeco, BIDV, Masan, Vietinbank, Vietjet,...
Không chỉ ông Vượng, mà vợ đại gia này cũng giàu kỷ lục. Bà Phạm Thu Hương đang sở hữu hơn 151 triệu cổ phiếu VIC, trị giá gần 19,1 ngàn tỷ đồng và là người có cơ hội sáng sủa nhất trở thành nữ tỷ phú USD thứ 2 tại Đông Nam Á, sau bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet.
Sự kỳ vọng về thành công của "hệ sinh thái" VinGroup là yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng cổ phiếu VIC.
Thị trường chứng khoán (TTCK) sáng 30/8, các cổ phiếu blue-chips đồng loạt tăng trở lại. Giới đầu tư đón nhận thông tin tích cực từ chứng khoán Mỹ đêm qua sau khi Bắc Kinh phát tín hiệu lùi bước trong cuộc chiến thương mại. Mỹ-Trung có thể trở lại bàn đàm phán trong tháng 9.
Cả 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều tăng giá.
Tuy nhiên, mức tăng chung trên thị trường vẫn khá thấp và giao dịch ảm đạm. Sự thận trọng vẫn bao phủ trên diện rộng.
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo YSVN, chỉ số VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại vùng giá 980 - 990 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, rủi ro TTCK thế giới đang có chiều hướng giảm và các chỉ số chính tại TTCK VN đang bước vào giai đoạn tích lũy cho nên thị trường chưa có dấu hiệu cho đà giảm mạnh. Tuy vậy, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là cơ cấu lại danh mục.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/8, VN-Index tăng 1,33 điểm lên 978,59 điểm; HNX-Index giảm 0,39 điểm xuống 101,94 điểm và Upcom-Index giảm 0,07 điểm xuống 57,9 điểm. Thanh khoản đạt 170 triệu đơn vị, trị giá 3,8 ngàn tỷ đồng.
V. Hà