Chiều 6/9, sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló.
Tại hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Guinea-Bissau đã cử đoàn sang Việt Nam dự lễ viếng và chia buồn trước sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tình cảm hữu nghị, chân thành giữa hai nước, hai dân tộc và sự trân trọng của Guinea-Bissau đối với cố Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu Guinea-Bissau đạt được trong giữ vững ổn định chính trị, đoàn kết, hòa giải dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội và những đóng góp của Guinea-Bissau trong sự phát triển chung của khu vực châu Phi.
Tổng thống Umaro Sissoco Embaló cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho đoàn.
Tổng thống bày tỏ ngưỡng mộ sự nghiệp cách mạng, xây dựng, phát triển của Việt Nam; những nhà lãnh đạo lỗi lạc như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Guinea-Bissau và châu Phi.
Tổng thống Guinea-Bissau cho biết đã đặt tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho một ngôi trường trung học tại Guinea-Bissau; coi Việt Nam là hình mẫu của các nước đang phát triển tại châu Phi nói chung và Guinea-Bissau nói riêng.
Tổng thống Umaro Sissoco Embaló khẳng định chủ trương của Guinea-Bissau mở rộng hợp tác với các quốc gia ở châu Á, trong đó Việt Nam được xác định là đối tác ưu tiên hàng đầu; quyết tâm củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Việt Nam, vì lợi ích của hai nước và hai dân tộc.
Trong không khí thân tình, cởi mở, hai lãnh đạo đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước và bày tỏ hài lòng về những kết quả tích cực trong quan hệ song phương trong bối cảnh Việt Nam và Guinea-Bissau vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 2023).
Hai bên trao đổi và đề ra phương hướng nhằm nâng cao hợp tác song phương.
Về chính trị, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp nhằm củng cố tin cậy chính trị, tạo động lực mới cho hợp tác song phương; triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác song phương.
Để tạo thuận lợi, thúc đẩy trao đổi đoàn, Tổng thống Guinea-Bissau cho biết sẽ miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ của Việt Nam.
Nhân dịp này, Tổng thống Guinea-Bissau trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sớm thăm chính thức Guinea-Bissau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời.
Tổng thống cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu về phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tổng thống Guinea-Bissau nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm tạo chuyển biến trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; dành chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy đa dạng hóa mặt hàng xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh tại thị trường của nhau.
Tiếp đà hợp tác khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba và chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại của Guinea-Bissau, Tổng thống Umaro Sissoco Embaló nhất trí với đề nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong việc mở rộng hợp tác lĩnh vực còn nhiều tiềm năng mà Việt Nam có thế mạnh và Guinea-Bissau có nhu cầu.
Đó là trong nông nghiệp, trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách, mô hình phát triển, đào tạo cán bộ quản lý, đàm phán để sớm ký kết các văn kiện nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác song phương.
Trao đổi vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết và Nhóm G77.
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác của mỗi nước tại các tổ chức khu vực mà hai nước là thành viên như ASEAN, Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), đặc biệt trên các lĩnh vực ưu tiên của các tổ chức như nông nghiệp, giáo dục, y tế, chuyển đổi số...
Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm nhìn chung về tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.