Mới đây, tại Hội nghị thường niên về tương lai giáo dục, khi bàn về chủ đề định hướng, hỗ trợ trẻ phát triển sự sáng tạo, GS Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ về phương pháp giáo dục con cái trong gia đình mình.
'Để trẻ sống với đam mê, miễn chúng cảm thấy hạnh phúc'
Theo GS Ngô Bảo Châu, vai trò của các bậc cha mẹ nên là hỗ trợ để trẻ hình thành tư duy học tập tích cực. Việc học không phải là nạp những kiến thức cũ kỹ, sáo mòn; việc học cũng không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống mà việc học chính là cuộc sống.
Điều đó có nghĩa, đứa trẻ phải được sống với cuộc đời của chính chúng. Chúng có thể học khoa học, học viết, học làm toán hay học các môn nghệ thuật,… miễn điều đó khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc.
“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cha mẹ có thể nghiêm khắc với con cái hơn tôi; kết quả học tập của con họ cũng có thể xuất sắc, vượt trội hơn, nhưng với các con, tôi lại không quá đặt nặng về chuyện điểm số.
Cũng rất nhiều người quan niệm rằng, con phải đạt điểm thật cao để sau này có sự nghiệp thành đạt. Nhưng theo tôi, đó không phải là tất cả cuộc sống”.
GS Ngô Bảo Châu
GS Ngô Bảo Châu cho rằng, không nên mục đích hóa mọi việc, đặt mục tiêu làm việc này, việc kia để đạt được điều gì. Bởi trước hết, cha mẹ cần phải để trẻ sống cuộc sống của chúng.
Trong hành trình cuộc đời, con trẻ thông qua việc học để trở thành những người độc lập, biết sống cuộc sống của mình, làm chủ và hạnh phúc với cuộc sống của mình; có khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp của cuộc sống, của nghệ thuật; biết vui và sống chan hòa, đem lại những niềm vui, hạnh phúc cho người khác.
Vì thế, mặc dù cũng từng mong muốn một trong những đứa con của mình sau này cũng sẽ theo đuổi con đường toán học, nhưng khi không thành công, ông cũng không cảm thấy quá buồn về chuyện đó.
“Các con tôi không phải học xuất sắc lắm. Nhưng chúng có rất nhiều đam mê khác như đam mê về nghệ thuật, đam mê về âm nhạc, thậm chí là kinh doanh.
Tôi cho rằng, chúng ta nên cho trẻ cơ hội được học những điều chúng muốn và có thể khơi gợi để trẻ thích học. Nếu trẻ không thích, cha mẹ cũng không nên bắt trẻ học quá nhiều”, GS Châu nói.
Yếu tố quyết định đến thành công trong cuộc sống
GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, quan niệm truyền thống của nhiều bậc cha mẹ là trẻ nhất định phải học một nghề nào đó, bởi “không có nghề là không sống được”. Nhưng ông cũng chỉ ra một thực tế, “không phải ai cũng có sẽ làm mãi một nghề trong suốt cả cuộc đời”, “họ có thể học ngành này, nhưng sau lại làm một ngành khác, thậm chí 10 năm sau lại đi làm một ngành khác nữa”.
Do đó, yếu tố quyết định đến thành công chính là một thái độ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó là sự mềm dẻo trong tư duy, kỹ năng, sự hiểu biết, vốn văn hoá chung và sự sáng tạo.
Và trước câu hỏi: “Chúng ta cần phải chuẩn bị cho con cái như thế nào để chúng có thể đối mặt với cuộc sống luôn luôn thay đổi trong tương lai?”, GS Châu cho rằng, việc giúp trẻ được trang bị, hòa mình vào cuộc sống đa dạng văn hóa từ khi còn nhỏ là điều quan trọng không kém việc chuẩn bị các kỹ năng ngành nghề.
“Những vốn văn hoá ấy chính là hành trang giúp cho trẻ hội nhập và thích nghi trong mọi điều kiện khi môi trường sống thay đổi, từ trong nước đến ngoài nước”, GS Châu nêu quan điểm.
Thúy Nga
GS Ngô Bảo Châu: “Tôi từng sốc khi nhận được bảng lương của mình”
Khi được bổ nhiệm làm giáo sư, GS Ngô Bảo Châu nghĩ từ đây mình sẽ có cuộc sống dư dả hơn. Nhưng ông đã sốc trong ngày nhận tháng lương đầu tiên. Với số tiền này, còn không đủ để mua vé máy bay về Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu: Cần dấy lại phong trào học toán với học sinh
Nhiều nhà toán học hàng đầu trong nước đã cùng ngồi lại, thảo luận về những vấn đề cấp thiết trong công tác đào tạo và nghiên cứu toán học tại Việt Nam.