Căng thẳng tiếp tục leo thang, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã đạt đến mức độ chưa từng có trong nhiều năm nay. Nhóm vũ trang Hamas đã tấn công dồn dập vào lãnh thổ Israel làm chết của hơn 1.000 người và bắt giữ gần 200 con tin. Israel đã trả đũa bằng chiến dịch “Những thanh kiếm sắt” và thề “xoá sổ Hamas khỏi mặt đất”, tiến hành hàng loạt cuộc không kích vào Gaza. Chỉ trong sáu ngày đầu của chiến dịch này, Israel đã bắn đi số tên lửa tương đương với toàn bộ số tên lửa được bắn trong cuộc xung đột Gaza-Israel năm 2014.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 423.000 người tại Gaza đã phải di dời khỏi nhà cửa sau khi Israel cắt hết toàn bộ điện, nước vào mảnh đất này, trong khi người dân phải hứng chịu liên tục các cuộc bắn phá của quân đội Israel. Việc Israel kêu gọi hơn một triệu người tại dải Gaza di cư trước cuộc tổng tấn công sắp tới được cộng đồng quốc tế coi là không thực tế và đáng báo động.

Những cáo buộc về tội ác chiến tranh của vào Israel ngày càng gia tăng vì cách áp đặt hình phạt tập thể của họ lên thường dân của dải Gaza. Trong những ngày cuối tuần qua, các cuộc biểu tình khổng lồ thể hiện sự đoàn kết với người Palestine đã diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, từ London đến New York, từ đường phố Paris đến các trường đại học hàng đầu ở Mỹ.

Trong bối cảnh hỗn loạn này, các chuyên gia trên toàn thế giới đã bắt đầu đưa ra các phân tích, đưa ra các lời giải thích và đề xuất các giải pháp tiềm năng.

Giáo sư Stephen Walt, nhà khoa học chính trị hàng đầu của Mỹ (*), đã xuất hiện trong chương trình “The Bottom Line” của Al Jazeera và đưa ra nhiều ý kiến đáng suy nghĩ.

GS Stephan Walt.jpg
Giáo sư Stephen Walt

Mở đầu cuộc nói chuyện với người dẫn chương trình Steve Clemens, Walt nói rằng, đã có một sự thay đổi cơ bản trong bối cảnh xung đột hiện này, khi cuộc tấn công của Hamas đã “phá vỡ cảm giác không bị trừng phạt mà Israel có trong nhiều năm. Người Israel có thể tiếp tục cuộc sống của họ mà không cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến họ” cho đến nay.

Sự tan vỡ cảm giác an toàn của Israel cho thấy một thay đổi đáng kể tại Trung Đông, nơi Israel được coi là một ‘ốc đảo phát triển’ trong một khu vực bất ổn. Walt giải thích thêm, hành động trả đũa tiếp sau đó của Israel cũng có khả năng ngăn chặn quá trình bình thường hoá quan hệ đang diễn ra giữa Israel và các quốc gia Trung Đông khác, đặc biệt là với Ả Rập Saudi.

Phản ứng của phương Tây đối với những diễn biến này cũng là một điểm đáng quan tâm. Ông nhận thấy tình cảm đoàn kết đằng sau việc ủng hộ Israel của chính giới Châu Âu và Mỹ do bản chất tàn bạo của cuộc tấn công của Hamas vào dân thường.

Tuy nhiên, ông dự đoán rằng các quốc gia đang phát triển ở Nam Mỹ, Châu Phi, và Châu Á (Nam bán cầu) sẽ thể hiện sự đồng cảm đối với sự chính nghĩa của người Palestine. Quan sát của Walt làm sáng tỏ sự chia rẽ trong phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xung đột hiện nay. Walt nói, “sự chia rẽ mà chúng ta đã thấy ở Ukraine giữa phương Tây và Nam bán cầu, tôi nghĩ cũng sẽ rõ ràng tại đây”.

Walt nhấn mạnh khả năng Iran có thể tham gia vào cuộc xung đột, nguy cơ leo thang không hề nhỏ. Iran là một trong những quốc gia ủng hộ Hamas mạnh mẽ nhất và là đối thủ chiến lược hàng đầu của Israel nên “nếu Iran trực tiếp tham gia vào các cuộc tấn công này thì áp lực sẽ tiếp tục leo thang vì chính phủ Israel khó có thể không làm gì”.

Walt nói về những rủi ro về cách Israel đáp trả tại Gaza và khả năng làm xung đột lớn hơn, rằng ông Thủ tướng Israel Netanyahu đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Ông nói: “Nếu Israel phản ứng bằng cách tấn công Gaza, giết chết nhiều thường dân, khiến cho số người Palestine thiệt mạng vượt xa số người chết tại Israel, thì tất nhiên những thiện cảm của dư luận sẽ chuyển sang hướng khác”. Con dao hai lưỡi mà Israel đang phải đối mặt - bất kỳ phản ứng nào đều có nguy cơ gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng trong nước và dư luận quốc tế, hoặc gây nguy hiểm cho chính những công dân của họ đang bị Hamas bắt làm con tin. Do vậy, Israel đang trong tình thế khó khăn để tìm cách phản ứng một cách thông minh.

israel.jpg
“Nếu Israel phản ứng bằng cách tấn công Gaza, giết chết nhiều thường dân, khiến cho số người Palestine thiệt mạng vượt xa số người chết tại Israel, thì tất nhiên những thiện cảm của dư luận sẽ chuyển sang hướng khác.”

Bình luận về chiến lược tổng thể của Israel đối với vấn đề Palestine, Walt đồng ý với quan điểm cho rằng, chiến lược này rõ ràng đã thất bại.

Ông nói: “Israel trong tám đến mười năm qua đã xử lý vấn đề này một cách cẩu thả. Họ đã xây một bức tường bao quanh, rút quân khỏi Gaza, nhưng vẫn bao vây nó như một nhà tù lộ thiên. Và sau đó, họ nghĩ rằng họ có thể tiến hành bình thường hoá quan hệ với những nước khác”. Walt nói, những gì Hamas đã làm, dù tàn ác đến đâu, đã “đập tan ảo tưởng đó, ít nhất là tạm thời”. Vì vậy, hậu quả chính trị của việc mất cảnh giác, đặc biệt với chính quyền Netanyahu, sẽ rất lớn – và chúng ta sẽ chứng kiến điều này tại Israel trong những năm tới.

Walt trích dẫn cuộc chiến tranh Israel-Lebanon năm 2006 và cách lực lượng Hezbollah tại nước này đã không chỉ sống sót mà còn tiếp tục củng cố quyền lực sau đó. Ông nói, “điều này cho bạn thấy những giới hạn của sức mạnh quân sự, rằng khi bạn đối phó với một số lớn những người sống với cảm giác bị mất quê hương và đất mẹ, thì sẽ có giới hạn về những gì bạn có thể làm với nó”. Ngay cả khi có ưu thế quân sự lớn như Israel, quân đội Israel cũng “không thể tiêu diệt họ như một lực lượng chính trị” do sức mạnh của tư tưởng là một thứ không thể bị dập tắt.

Để so sánh những điểm tương đồng với Palestine, Walt đề cập đến cuộc gặp của ông với một quan chức của Hamas tại Diễn đàn Doha vài năm trước. Trả lời câu hỏi của Walt rằng liệu Hamas không sợ sẽ kích động phản ứng mạnh mẽ từ Israel khiến cho Palestine bị huỷ diệt, quan chức này nói “không, bạn không thể giết một quốc gia. Nhưng những hành động của bạn sẽ khiến quốc gia này ngày càng kiên cường, khiến chúng tôi nhìn hợp pháp hơn trong ánh mắt của thế giới”.

Với nhận định này, Walt chia sẻ sự quan tâm của ông đến quan điểm của Hamas rằng việc giết nhiều người Israel như vậy, và cách điều này cũng sẽ dẫn đến cái chết của nhiều người Palestine, sẽ giúp cho cuộc đấu tranh của họ được công nhận bởi cộng đồng thế giới.

Ông cho rằng, Israel, với sức mạnh quân sự vượt trội, có thể sẽ giành chiến thắng trong các trận chiến, nhưng cũng đang phải đối mặt với một cuộc chiến chiến lược quan trọng hơn trong con mắt của thế giới. Ông khẳng định: “Israel có thể giành chiến thắng trong ở Gaza, nhưng sẽ thua toàn bộ cuộc chiến” vì thế giới đang cảm thông và chú ý đến Palestine, đưa vấn đề Palestine trở lại vị trí hàng đầu trong các chương trình nghị sự toàn cầu.

Hiệp định Abraham, một sáng kiến ngoại giao nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và các quốc gia Hồi Giáo, cũng được Walt coi như là bối cảnh tiềm ẩn cho cuộc xung đột này. Israel đang tiếp tục cải thiện quan hệ với những quốc gia như Ả Rập Saudi, Ma Rốc, hay Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), cán cân quyền lực đang thay đổi tại Trung Đông, khi Israel đang trên con đường trở thành đối tác với những cựu kẻ thù này bất chấp chính sách Palestine gây tranh cãi của nước này. Mặc dù Walt thận trọng để không đưa ra bất kỳ kết luận trực tiếp nào, ông nói, cùng với “cách ứng xử của Israel tại Bờ Tây, việc tăng tốc quá trình định cư của người Israel trên lãnh thổ Palestine”, những diễn biến này có thể tạo ra cảm giác rằng khung cửa sổ để Hamas hành động ngày càng khép dần lại – và đã dẫn đến chiến dịch táo bạo của Hamas hôm vừa rồi.

Khi được hỏi về khả năng tồn tại của giải pháp hai nhà nước (two-state solution) thường được giới ngoại giao nói đến trong xung đột Israel – Palestine, Walt thẳng thắng nhận xét: “Tôi luôn nghĩ rằng, giải pháp hai nhà nước như được hình dung trong Hiệp định Oslo (1993) là kết quả tốt nhất có thể. Nhưng rất đáng tiếc là những diễn biến gần đây, bao gồm việc mở rộng các khu định cư Israel ở Bờ Tây, sự mất uy tín của Chính quyền Palestine một phần do những hành động của chính họ, và sự thay đổi theo hướng cánh hữu trong nền chính trị Israel, tất cả những điều đó về cơ bản đã khiến giải pháp này trở nên bất khả thi.”

Walt nói rằng, đây là một thứ ông cảm thấy rất đáng tiếc, và cho rằng khi chính quyền Biden hoặc cá quan chức Mỹ khác nói về giải pháp hai nhà nước, thì họ đang “làm mất uy tín của chính mình. Họ đang nói về viễn cảnh trong một thế giới không còn tồn tại nữa”. Walt cho rằng Mỹ sẽ cần bắt đầu phải hỏi chính mình, nếu giải pháp hai nhà nước không còn khả thi nữa, thì “chúng ta sẽ phải ủng hộ cách tiếp cận nào? Chúng ta sẽ cần phải làm gì để chấm dứt cuộc xung đột này một lần và mãi mãi?”

Từ câu chuyện về vai trò của Mỹ, Clemens đề nghị Walt nói về những thách thức nền ngoại giao Mỹ đang gặp phải với những quan điểm khác nhau về cuộc xung đột Israel-Palestine - đặc biệt khi Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và là một đồng minh NATO của Mỹ, khẳng định rằng ông hoàn toàn ủng hộ Palestine, và “bất kỳ cuộc tấn công nào đối với người Palestine là tấn công chính ông ấy”.

Walt cho rằng chính quyền Biden đang phải đối mặt với thách thức là có quá nhiều vấn đề trên thế giới Mỹ đang phải can thiệp. Từ việc ủng hộ cuộc chiến tại Ukraine bị phản đối bởi các đảng viên Cộng hoà, những căng thẳng kinh tế với Trung Quốc, lo ngại về an ninh của Đài Loan, căng thẳng gia tăng với Nga, đến cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Mexico, khiến Mỹ sẽ ngày càng bị hạn chế trong khả năng để giải quyết các vấn đề trên khắp thế giới. Trong khi đó, Walt nói rằng Trung Quốc và Nga không liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột Israel-Palestine, và do vậy, “họ có thể ngồi ở ngoài và tiếp tục nói chuyện với các bên”, trong khi khả năng can thiệp của Mỹ sẽ bị giới hạn bởi những thử thách khác mà Washington đang phải đối mặt với. Do vậy, Walt cho rằng về khía cạnh địa chính trị, ảnh hưởng của cuộc xung đột này đến cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc có thể sẽ khá sâu rộng.

tt tho nhi ky.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một trong những nhà lãnh đạo lên tiếng ủng hộ Palestine nhiệt thành nhất.

Cuối cùng, theo Walt, một sự thật trong các cuộc xung đột hiện nay là không bên nào đang có đối thoại thiết thực với bên kia nhằm chấm dứt xung đột.

Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình Clemens, “Nếu nhìn vào tình hình Israel-Palestine, họ sẽ không nói chuyện với nhau. Ukraine và Nga, họ đang không nói chuyện với nhau”, Walt nói: “Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng bạn thực sự cần phải nói chuyện với những đối thủ của mình càng nhiều càng tốt, không phải vì bạn đồng ý với họ, mà cả bạn lẫn họ đều đang phải đối mặt với vấn đề chung mà cả hai bên muốn giải quyết”.

Nhưng trong cuộc xung đột Israel - Palestine, quan điểm của cả hai bên đã trở nên trái ngược nhau đến mức cả hai cho rằng đối thoại sẽ không giải quyết được bất kỳ điều gì. Nếu Hamas thực sự tin rằng Israel nên ngừng tồn tại như một đất nước thì sẽ “không có gì nhiều để cố gắng thuyết phục họ” và ở bên kia, nếu chính phủ cánh hữu của Israel tin rằng cần phải chiếm toàn bộ Bờ Tây và biến nó thành một Đại Israel và trục xuất người Palestine hoặc giữ họ trong tình trạng phân biệt chủng tộc vĩnh viễn, “thì cũng không có gì nhiều để nói ở đó”.

Ông nói: “Nếu mỗi bên tiếp tục tự kể cho mình một câu chuyện, mà cuối cùng họ sẽ giành chiến thắng nếu cứ kiên trì thì sẽ đạt được mọi thứ mình muốn thì chúng ta khó có thể biết xung đột sẽ đi theo hướng nào".

Những ý kiến thẳng thắn mang tính hiện thực của Stephen Walt rõ ràng đáng để  e ngại về cường độ bùng nổ của cuộc xung đột Israel-Palestine vốn đã bắt đầu kể từ khi Israel lập quốc vào giữa thế kỷ 20.

Trong bối cảnh này, điều không thể nghi ngờ cho bất kỳ bên nào, từ Israel và Palestine đến những quốc gia Trung Đông và các cường quốc trên thế giới – là  cần có một giải pháp thực sự cho vấn đề này. Những ý tưởng của Walt không chỉ là để quản lý cuộc khủng hoảng đang diễn ra, mà còn giải quyết các nguyên nhân gốc rễ khiến vấn đề Israel-Palestine còn tồn tại dai dẳng trong chính trị quốc tế. Nếu không có cách tiếp cận chân thành và toàn diện để giải quyết xung đột, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ chứng kiến những chu kỳ bạo lực tái diễn tại đây, với những hậu quả gây ảnh hưởng vượt xa các bên liên quan trực tiếp.

Thiều Quang

(*) Giáo sư Stephen Walt nhà khoa học chính trị hàng đầu của Mỹ với những đóng góp đáng kể cho học thuyết quan hệ quốc tế, chủ yếu được công nhận vì phát triển lý thuyết “chủ nghĩa tân hiện thực” (neorealism) cùng vời các học giả như John Mearsheimer hay Kenneth Waltz. Cuốn sách của ông và Mearsheimer: “Vận động hành lang của Israel và Chính sách đối ngoại của Mỹ” (The Israel Lobby and US Foreign Policy)  là một trong số những ấn phẩm khoa học bán chạy nhất, phân tích mối quan hệ sâu sắc giữa Mỹ và Israel, và những tác động gây tranh cãi của các hoạt động vận động hành lang của Israel đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Với chuyên môn nghiên cứu trong khu vực, những hiểu biết sâu sắc của Walt về cuộc xung đột Israel-Hamas sẽ có giá trị với bất kỳ ai muốn hiểu về bối cảnh căng thẳng hiện nay. Walt từng là hiệu trưởng trường chính sách công Kennedy thuộc Havard và hiện là học giả trong chương trình Robert and Renée Belfer thuộc Havard.