Theo Thượng toạ Thích Minh Quang, nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng, cầu bình an cho gia đình, người thân là nhu cầu chính đáng của nhân dân, Phật tử. Điều này quy định trong hiến pháp 2013, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tất cả tôn giáo đều bình đẳng.
Có nhiều tầng lớp, người quy y Tam bảo, người đầu tiên đến với chùa. Những người đến với đạo Phật, đạo là con đường giác ngộ về bản thân cuộc đời, thế giới. Cuộc đời là vô thường, sinh, lão, bệnh tử. Chúng ta giác ngộ bản thân, từ đó tu tập đem lại an lạc chính mình và những người xung quanh.
GS Sử học Lê Văn Lan: "Trục lợi tâm linh là tội lỗi vô cùng lớn" |
“Tôi quan sát thực tế, có những đối tượng đến chùa nhiều khi đến bằng cảm tình, hoặc ông bà cha mẹ tổ tiên đến chùa thì tôi cũng đi chùa, hoặc cầu phát tài, mua may bán đắt. Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, quần chúng đến chùa tu theo đạo ngày càng đông” – Thượng tọa nói.
“Tôi mong các Phật tử, cố gắng nghi lễ cầu cúng chỉ là phương tiện nhưng từ đó mỗi chúng ta lại phải tự tu học tinh tiến giác ngộ. Như tôi nói, lễ Phật giả kính phật tri đức.
Chính vì vậy, muốn chấm dứt khổ đau nhờ vào tuệ giác, mỗi người chúng ta muốn nỗi khổ niềm đau vơi đi phải nhờ vào tuệ giác, nhờ vào tuệ giác biết rõ cuộc đời, thế giới”.
Trả lời câu hỏi của một độc giả về việc, “có người nói, tổ tiên đã tạo nghiệp xấu, con cháu phải dùng nhiều tiền để cầu cúng, để giải nghiệp có đúng với giáo lý nhà Phật không?”.
Thượng tọa Thích Minh Quang: "Dùng tiền để giải nghiệp thì không phù hợp với giáo lý nhà Phật" |
Thượng tọa Thích Minh Quang nói: “Chúng ta vẫn thường nghe tới khái niệm “nghiệp”. Nhà Phật nói như thế này, mỗi chúng ta có 3 nghiệp thân, khẩu, ý.
Nghiệp là kết quả của hành động, lời nói, ý nghĩ. Như vậy, mỗi bước chân đi, mỗi lời nói đều có nghiệp; lời nói tốt thì gieo nghiệp tốt và ngược lại. Tuy nhiên, muốn giải nghiệp xấu thì không có cách nào khác phải sám hối, tu tập mới giải nghiệp được.
Như bạn đọc nói, gia tiên tiền tổ tạo nghiệp xấu giờ đi cúng tiền giải nghiệp. Ở kinh địa tạng nói, nghiệp ai làm người đó chịu. Vậy nên, nếu muốn giải nghiệp cho tổ tiên thì phải hồi hướng, làm nhiều điều tốt, còn dùng tiền để giải nghiệp thì không phù hợp với giáo lý nhà Phật.
Vì sao nhiều người có bằng cấp, trình độ... vẫn bị lôi kéo?
Lý giải về việc, nhiều người tham gia CLB Tình người có trình độ văn hóa, học hàm rất cao nhưng vẫn bị lôi kéo, mê muội, GS Lê Văn Lan thẳng thắn, CLB này dựa vào cuốn “Pháp bảo” để vận hành.
Hàng ngàn người đã bị lôi kéo tham gia CLB Tình người |
Tôi đã có dịp tiếp xúc với cuốn sách dày và nhận định đây là cuốn sách hổ lốn và tầm thường. Nó dựa trên quan điểm tín ngưỡng từ thời nguyên thủy là vong, hồn. Dùng các thủ pháp hiện đại kết hợp vào đây các vấn đề, chi tiết của Phật giáo.
Như Thượng tọa Thích Minh Quang vừa nói, đó là chữ nghiệp. Làm việc thiện và cúng bái. Nó chính là tạp nham lôi kéo vào đây đủ các mảnh vụn. Nó là hình thức, và hình thức hiểu sai, tạo ra một mớ hổ lốn. Đã thấp, đã hổ lốn tại sao vẫn có nhiều người tin? Trong đó có người có trình độ.
Ở đây có thể lý giải chính là vấn đề kỹ thuật chinh phục đám đông hiện đại, đã được vận dụng khéo léo, tinh vi, và quỷ quyệt. Hiệu ứng đám đông luôn là một sức mạnh. Ở đây sức mạnh đó đã bị lợi dụng”.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Thượng tọa Thích Minh Quang lấy ví dụ: “Cách đây 6 tháng, có anh đang làm cảnh sát giao thông nói nhà bị ma làm, ma nhập suốt mấy năm qua hao tiền tốn của. Chỗ nào cũng nói nhà nghiệp nặng phải giải nghiệp, phải làm lễ để giải nghiệp. Tôi có nói rằng, nghiệp không dùng lễ mà giải được, tự tạo thì tự giải thôi.
Tọa đàm “Thực hành tâm linh: cách nào tránh u mê?” do báo Đại Đoàn kết tổ chức sáng 1/4 |
Sự ràng buộc bằng tham sân si, ganh ghét thì phải tự cởi thôi. Tôi có nói anh làm 2 việc, anh phải siêng năng sám hối, sám hối là ăn năn hối lỗi cái mình đã làm, nói nôm na là biết sai thì sửa. Bên cạnh đó phải siêng năng tu tập, là làm điều lành, tránh điều ác. Mỗi chúng ta biết làm điều hay, nói lời tốt, tâm thiện thì chắc chắn đời sẽ bình an. Còn mang tiền đi giải nghiệp thì tiền mất tật mang. Nút thắt ta buộc thì ta tự cởi”.
Nói về vấn đề phúc, nhà Phật cũng đề cập đến cúng giàng bố thí. Bố thí gồm 3 nội dung. Tài thí là vật chất gồm nội tài, ngoại tài. Nội tài là hiến tạng, hiến mô để lại hạnh phúc cho người còn lại. Ngoại tài là hỗ trợ vật chất nếu có thể. Pháp thí là cho người khác điều hay, ý đẹp, chân lý làm sao để thoát được nỗi khổ niềm đau. Vô ý thí là cho người ta không có sự sợ hãi của cuộc sống.
Nhiều gia đình đã tan vỡ vì có người thân tham gia CLB Tình người, bỏ công việc, gia đình để "đón phúc", "gieo duyên", mang tiền đi "trả nghiệp" |
“Trục lợi tâm linh là tội lỗi rất lớn là tạo nghiệp rất nặng. Có những người có nhận thức xã hội cao thì không nói nhưng nhiều người thiếu hiểu biết mà trục lợi tâm linh để đưa người ta vào u mê là tội lỗi. Chúng ta thấy được việc này chúng ta phải lên án việc đó. Trục lợi tâm linh là tội lỗi vô cùng” – Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ.
Luận bàn về giáo lý của CLB Tình người truyền bá tới các hội viên về việc “mỗi người trần có tới 70 vong theo, và vong khôn hơn người thường 70 lần”, GS Lê Văn Lan nói: “Đây là chuyện tầm phào, nó là từ xã hội nguyên thủy, khi con người mới sơ khai, ở mức độ sáng tạo ra cái gọi là vong. Nhưng sau hơn 4 nghìn năm phát triển của nhân loại, cái chuyện gọi là vong đã cổ hủ và không thích hợp. Thế mà ở đây chi tiết cụ thể hóa, mỗi người có đến 70 vong. Như vậy, cả nhân loại có vài tỷ người mà nhân lên 70 vong thì vong chất vào đâu. Lại có chuyện địa ngục đang mở vong trèo lên thế giới và làm hại người”.
“Đây là điều đe dọa. Tội lội ở chỗ đó, nó làm cho người ta khiếp nhược. Khiếp nhược của người nguyên thủy không thể là nỗi khiếp nhược của người hiện đại. Huống chi người ta còn dùng cả từ mạt, mạt pháp. Anh có thể nói đạo lý suy đồi, nhưng nếu dùng đến mạt vận tức là anh chạm tới quốc gia, xã hội và tới thời đại”.
Vì sao Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội giải thể CLB Tình người?
Ngày 8/10/2020, Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội đã công bố quyết định giải thể Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Tình người - tiền thân của CLB Tình người đang lùm xùm nhiều điều tiếng.
Thái Bình (lược ghi)