"Bởi nếu xét toàn diện thì những tiêu chí như năng lực tư duy, năng lực hành động… kỹ năng sống, năng lực cảm thụ, những cái đó học sinh Việt Nam chắc chắn thua xa”.

Chớ ảo tưởng

Vừa qua, theo công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì Việt Nam được xếp hạng thứ 12 trên thế giới, vượt qua các nước phát triển như Mỹ, Anh… trong bảng xếp hạng này.

Tuy nhiên, theo GS. Hoàng Tụy, nếu theo bảng xếp hạng và tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của tổ chức OECD, thì giáo dục Việt Nam đã được bỏ qua những cái… bê bết nhất, để nằm ở vị trí thứ 12 trên thế giới.

Ngành giáo dục nên xem lại chất lượng của chính mình, chớ ảo tưởng vào kết quả của cách đó. Xếp hạng này là xếp hạng dưới góc độ hẹp. Đó là độ tiếp thu, nhận thức của học sinh về những hiểu biết môn Toán và môn Khoa học. Nó chỉ có tiêu chí như thế thì sự xếp hạng là chính xác, phù hợp.

Nhưng có điều, đó là tiêu chí rất hẹp. GS. Hoàng Tụy chỉ ra: “Không thể dựa trên tiêu chí ấy để đánh giá chất lượng, và ngộ nhận rằng chất lượng giáo dục Việt Nam còn cao hơn cả giáo dục của các nước phát triển như Pháp, Mỹ. Bởi nếu xét toàn diện thì những tiêu chí như năng lực tư duy, năng lực hành động, xử lý, giải quyết các tình huống nảy sinh trong thực tiễn, hay các kĩ năng sống, năng lực cảm thụ, những cái đó học sinh Việt Nam chắc chắn thua xa”.

Khi nhìn nhận chất lượng giáo dục Việt Nam dưới những tiêu chí như kỹ năng sống, tư duy, năng lực cảm thụ thì có thể nhận thấy giáo dục nước nhà vẫn còn “bê bết”. Các em học sinh vẫn đang học theo tư duy lối mòn, tiếp thu thụ động. Nghĩa là, thầy dạy sao trò biết vậy, sách giáo khoa viết sao thì học sinh “học gạo” như thế.

Ngành giáo dục, với phương pháp truyền thụ, cách giáo dục thụ động là một nguyên nhân hạn chế năng lực phản biện của các em học sinh. Hay như trong tiêu chí năng lực cảm thụ, đa phần người Việt Nam đều rất kém trong kĩ năng này. Vậy, năng lực cảm thụ là gì? Là khi con người ta đứng trước cái đẹp, một công trình kiến trúc, một bức tranh hay một tác phẩm văn học… họ có thể cảm nhận được cái đẹp cái dở của tác phẩm đó, không dừng lại ở việc đưa ra nhận định mà còn giải thích cho những nhận định của họ.

{keywords}
GS Hoàng Tụy. Ảnh: Nguyễn Đoàn Đình Bổng

Đi ngược thế giới

Bằng nhiều năm đào tạo sinh viên, nghiên cứu và hợp tác tại nhiều nước phát triển, kết hợp với những tài liệu nghiên cứu về giáo dục hiện đại,  GS. Hoàng Tụy đã chỉ ra những phương pháp giáo dục sau THCS ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, đi ngược các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Ông cho hay: Các nước như Mỹ, Anh, Pháp…, có cách đào tạo và phân luồng học sinh ngay từ rất sớm, sau khi đào tạo xong hệ THCS, nhà trường nhanh chóng phân luồng học sinh theo nhiều định hướng nghề nghiệp khác nhau. Sẽ có nhóm muốn đi thẳng vào các trường đào tạo nghề, sau 2 – 3 năm ra trường sẽ thành thợ. Có nhóm sẽ lên trung học phổ thông, lên đại học để được đào tạo trở thành những cử nhân có trình độ kĩ thuật, nhà quản lý…

Khi đào tạo những môn phân ban ở THPT như các khối tự nhiên hoặc xã hội, giáo dục các nước vẫn đảm bảo được thời gian và phân bổ chương trình, bổ sung những kiến thức nền tảng phổ thông để hoàn thiện hơn về đạo đức, kĩ năng sống của học sinh. Điều đó bảo đảm mục tiêu chất lượng dạy người, gắn với đào tạo các kiến thức văn hóa nền tảng.

Trong khi đó, nhìn lại giáo dục Việt Nam của chúng ta, việc đào tạo ở THPT rất yếu. Cách đây 10 năm, đào tạo giáo dục THPT như nhau một chương trình, sau đó ngành giáo dục cũng chủ trương phân ban. Tuy nhiên, cách phân ban của giáo dục Việt Nam cũng khác.

Tình trạng phổ biến, học sinh chỉ chăm chăm vào việc học các kiến thức “xung quanh” ban của mình. Ví dụ như các em phân ban A gồm các môn Toán, Lý, Hóa, hầu hết thời gian học tập chỉ dành cho việc tìm hiểu về các môn ấy, còn các môn học phổ thông khác như Ngữ văn, Lịch sử… lại bỏ qua. Điều đó dẫn đến những kiến thức phổ thông nền tảng thành sơ lược, không được bổ sung một cách đầy đủ và toàn diện, tạo nên những lỗ hổng to lớn về dạy người

Bên cạnh việc đó, theo GS Hoàng Tụy, giáo dục Việt Nam quá chú trọng và dạy rất sâu nhiều vấn đề, thậm chí chiếm một thời lượng lớn trong các môn học, những vấn đề đó ở nước ngoài không ai dạy nữa. Ngược lại, những có những kiến thức nước ngoài người ta dạy rất hay, rất tốt nhưng giáo dục của ta lại không tiếp thu.

Những tồn tại của giáo dục Việt Nam rõ ràng đặt ra những vấn đề gấp rút phải đổi mới, mở rộng tầm nhìn và tiếp thu, học hỏi có chọn lọc các nền giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, với GS. Hoàng Tụy cho rằng: “Việc cải cách giáo dục không thể nóng ruột mong muốn trong một sớm, một chiều. Bởi nó còn phụ thuộc vào hệ thống bộ máy từ Trung ương đến cơ sở, phụ thuộc vào sự đồng tâm, chung sức từ các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục đến các thầy cô và các em học sinh”.

Nguyễn Đình Đoàn Bổng

*Xin cảm ơn GS. Hoàng Tụy đã chia sẻ những ý kiến quý báu để người viết hoàn thành bài viết này.