GrabFood tung khuyến mãi để thu hút người mua mấy ngày Tết.

Ngày mùng 1 Tết, khách hàng gọi mua trà sữa qua ứng dụng GrabFood được giảm giá tới 50%, mã giảm giá được Grab bung ra trong suốt 2 tuần từ trước và sau Tết. Ngày mùng 1 Tết có cửa hàng còn giảm sốc từ 50.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/ly cho khách trong suốt mấy ngày Tết.

Chị Thanh ở Lê Văn Lương, Nhà Bè, TP.HCM cho biết, chiều mùng 1 Tết, chị gọi 4 ly trà sữa qua ứng dụng GrabFood và được giảm giá sâu chỉ còn 15.000 đồng/ly (giá gốc 50.000 đồng), tuy nhiên cước giao hàng tăng khá cao gấp đôi ngày thường và việc gọi đồ ăn khá lâu mới có người nhận. Hàng chục các cửa hàng trà sữa đã tung giảm giá trong mấy ngày Tết tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Grab cũng có mã giảm giá 25.000 đồng tiền cước giao hàng cho khách mua đồ ăn.

Các cửa hàng như Lotteria, Macdonal cũng tung các combo khuyến mại rất mạnh trong mấy ngày Tết, như tặng thẻ kèm phần ăn, tặng bao lì xì, giảm giá combo từ 375.000 đồng xuống còn 256.000 đồng để thu hút người mua hàng online trong mấy ngày Tết.

Chị Yến Linh, ở Hà Đông, Hà Nội cho hay, ngày mùng 1 Tết chị gọi thức ăn nhanh của Lotteria được giảm giá rất mạnh tới hơn 30%, kèm nhiều phần quà lì xì cho trẻ em, khó khăn duy nhất là phải gọi rất lâu mới có tài xế nhận giao đồ ăn và giá cước ship thì tăng cao gấp đôi so với ngày thường.

Các siêu ứng dụng giao hàng nhanh như Grab, Go-Việt, Be, Ahamove vẫn mở cửa phục vụ suốt Tết, tuy nhiên những ngày sát Tết do lượng tài xế về quê nghỉ Tết đông nên việc gọi xe giao hàng lâu hơn so với ngày thường, giá cước từ ngày 2/2/2019 (28 Tết) đã tăng khá cao, gấp 1,5 lần giá cước niêm yết của các ứng dụng.

Trước ngày 28 Tết giá cước tăng nhẹ 10-20% so với ngày thường. Để khuyến khích tài xế làm việc trong dịp Tết các ứng dụng gọi xe đã công bố chính sách thưởng khá hấp dẫn với những tài xế làm việc trong dịp Tết. Grab, Ahamove công bố mức thưởng tối đa có thể lên tới 10 triệu đồng, mức thưởng tùy thuộc vào năng suất làm việc của tài xế.

Sau gọi xe công nghệ, thị trường gọi giao nhận thức ăn tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là béo bở khi nhu cầu sử dụng thức ăn bên ngoài của người Việt ngày càng nhiều và nó phù hợp với lối sống của giới trẻ.

Không riêng Grab hay Go-Viet mới nhảy vào vì mong muốn xây dựng một “siêu ứng dụng” ngoài việc phục vụ di chuyển, Delivery Now của Foody, Vietnammm,… đã có mặt cách đây khá lâu và chỉ chuyên về giao nhận thức ăn.

Chương trình khuyến mãi của các ứng dụng này cũng không kém hấp dẫn so với Grab và Go-Viet. Tuy không thể biết được ai có nhiều tiềm lực để trụ lâu hơn nhưng trước mắt, khách hàng, tài xế và các cửa hàng thức ăn đang được hưởng lợi từ cuộc chiến “đốt tiền” này.