Grab, công ty sở hữu nền tảng gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á, vừa huy động được 2 tỷ USD từ khoản vay có kỳ hạn. Đây được ghi nhận là khoản vay lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ Châu Á.
Ban đầu, Grab chỉ dự kiến vay được 750 triệu USD, nhưng số tiền đã tăng cao sau khi công ty thuyết phục thành công các nhà đầu tư quốc tế. Khoản vay của Grab có thời hạn 5 năm, hướng tới mở rộng dịch vụ trong khu vực.
Theo Grab chia sẻ, lãi suất của khoản vay mới đã giảm 100 điểm cơ bản so với mức ban đầu, xuống 450 điểm cơ bản dựa trên lãi suất liên ngân hàng LIBOR. Ngân hàng JPMorgan là đối tác cho vay chính, bên cạnh đó còn có Barclays, Deutsche Bank, HSBC, Mizuho, MUFG, và Standard Chartered.
Grab vừa huy động được 2 tỷ USD từ khoản vay có kỳ hạn. Đây được ghi nhận là khoản vay lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ Châu Á. |
Khởi đầu từ một ứng dụng gọi taxi, Grab giờ trở thành “siêu ứng dụng” với thêm các dịch vụ như giao đồ ăn, trung gian thanh toán, hay bảo hiểm ở Đông Nam Á. Grab được định giá hơn 16 tỷ USD, là công ty khởi nghiệp giá trị nhất khu vực.
Tháng trước, Grab thông báo tổng doanh thu của tập đoàn đã tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm 2020, phục hồi ở mức cao hơn trước đại dịch. Mảng gọi xe của Grab đã hòa vốn ở tất cả các thị trường họ đang hoạt động.
Ngoài khoản vay, theo chia sẻ từ 3 nguồn tin thân cận khác nhau, Grab nhiều khả năng sẽ lên sàn chứng khoán Mỹ trong năm nay,. Đợt chào bán cổ phiếu công khai (IPO) của Grab có thể huy động được ít nhất 2 tỷ USD, tạo ra công ty Đông Nam Á giá trị nhất khi niêm yết ở nước ngoài.
Grab hiện có các nhà đầu tư lớn bao gồm SoftBank Group và Mitsubishi UFJ Financial Group. Kế hoạch sáp nhập với đối thủ Gojek của Indonesia từng được đưa ra nhưng không thành.
Anh Hào (Theo Reuters)
Grab lên sàn chứng khoán Mỹ sau khi sáp nhập không thành với Gojek
Đợt chào bán cổ phiếu công khai ở Mỹ của Grab dự kiến huy động được ít nhất 2 tỷ USD, tạo ra công ty Đông Nam Á giá trị nhất khi niêm yết ở nước ngoài.