Grab và Gojek đều đang để mắt đến thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa: asia.nikkei |
Cuối tuần trước, Gojek (công ty mẹ của GoViet) đã tuyên bố sẽ tập trung vào chiến lược mở rộng thị trường quốc tế, nâng tỷ trọng của thị trường ngoài Indonesia lên bằng với tỷ trọng thị trường trong nước. Hiện tỷ lệ này là 20%-80%.
Ngoài Indonesia, Gojek đang có hoạt động tại Việt Nam, Thái Lan và Singapore, trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm trong chiến lược này.
Phía Gojek tuyên bố công ty liên kết là GoViet đang phát triển với tốc độ nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hiện chiếm 60% tổng số người dùng trên thị trường quốc tế của Goẹk, chứng tỏ vị trí chiến lược của Việt Nam đối với kỳ lân này.
Theo công bố của ứng dụng gọi xe GoViet vào hồi tháng 8, tức là 1 năm sau khi ứng dụng hoạt động ở Việt Nam đã cán mốc 100 triệu chuyến xe và kết nối 125.000 đối tác tài xế cùng 70.000 đối tác nhà hàng và hàng triệu khách hàng.
Chỉ sau 2 tháng, GoViet đã có thêm 25.000 đối tác tài xế, hơn 10.000 nhà hàng và hàng trăm nghìn người dùng với hàng triệu chuyến đi mới. Con số công bố này cho thấy tốc độ phát triển của của thị trường Việt Nam dù Goviet đang gặp phải các vấn đề ở nhân sự cấp cao khi liên tiếp thay đổi CEO trong một thời gian ngắn.
Cũng trong tuyên bố chiến lược chung, Gojek cho biết sẽ tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm chính là dịch vụ vận tải, thanh toán và các dịch vụ tài chính, giao nhận thực phẩm. Gojek còn có kế hoạch đầu tư vào các công cụ và sáng kiến mới cùng với các nền tảng công nghệ mới.
Điều này sẽ được thực hiện tại thị trường Việt Nam khi GoViet vẫn chưa triển khai được các dịch vụ khác ngoài vận tải (xe hai bánh), giao nhận nhàng và đồ ăn. Hãng mẹ Gojek đang kỳ vọng có được 2 tỷ USD tiền đầu tư từ nay đến cuối năm từ các nhà đầu tư lớn như Google, Tencent, JD,..
“Miếng bánh” thị trường gọi xe có quy mô khoảng 1,1 tỷ USD và có thể tăng lên khoảng 4 tỷ USD trong 5 năm tới (theo công bố mới đây của Google, Temasek Holdings) có sức hấp dẫn không chỉ với Gojek.
Trong một tuyên bố hồi tháng 8, ngay sau khi nhận được nguồn đầu tư mới, Grab cho biết sẽ đầu tư vào Việt Nam 500 triệu USD để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics. Đây là bước đi trước để chiếm lĩnh thị phần.
Grab đang có ưu thế tại thị trường Việt Nam khi nắm tới 73% thị phần (theo nghiên cứu của ABI Research). Nền tảng này đã xây dựng được một hệ sinh thái khá hoàn chỉnh sau 5 năm vào Việt Nam.
Sau khi dẫn dắt thị trường gọi xe, Grab đang thành công với lĩnh vực giao nhận đồ ăn và tài chính. Cụ thể, nền tảng giao nhận thức ăn GrabFood đã đạt tổng giá trị giao dịch tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019 với số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000 đơn hàng.
Trong khi đó, Grab cũng "hái quả ngọt" khi đặt chân vào lĩnh vực thanh toán điện tử với ví Moca. Phía Grab cho hay, tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70% và đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán điện tử. Đây rõ ràng là một lợi thế của Grab so với GoViet khi đối thủ này chưa thể triển khai lĩnh vực tài chính tại Việt Nam.
Khoản đầu tư 500 triệu USD sẽ được sử dụng để triển khai các dịch vụ mới tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics.