{keywords}
 

Grab thông báo sáp nhập với một SPAC để phát hành chứng khoán tại Mỹ. Sau thương vụ, Grab có thể được định giá gần 40 tỷ USD. SPAC được mở ra với mục đích sáp nhập, không có kế hoạch kinh doanh cụ thể mà chỉ có mục đích duy nhất là tham gia vào quá trình M&A với một công ty khác. Theo quy định của Ủy ban chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), SPAC có quyền phát hành cổ phiếu (IPO).

Quyết định của Grab mở ra chương mới cho nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp. Nó cũng nới rộng cánh cửa cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào một trong các thị trường Internet tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nó còn hỗ trợ các kỳ lân công nghệ khác trong khu vực trong cuộc chiến với Mỹ và Trung Quốc trên mặt trận công nghệ.

Tầm quan trọng của Đông Nam Á với các doanh nghiệp điện tử đang được công nhận rộng rãi. Tổng giá trị giao dịch (GMV) của nền kinh tế Internet khu vực dự kiến tăng gấp ba, lên 300 tỷ USD, vào năm 2025 so với năm 2020, theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co.

Tuy nhiên, cho tới nay, hầu hết các nhà đầu tư chưa khai thác thị trường này. Công ty đại chúng đáng chú ý duy nhất đến từ Đông Nam Á là Sea, hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và game online. Năm 2020, cổ phiếu Sea tăng gần gấp 5, cho thấy khao khát lớn của các nhà đầu tư trước các doanh nghiệp công nghệ Đông Nam Á tăng trưởng nhanh và phản ánh sự thiếu thốn các khoản đầu tư thay thế.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 13/4, đồng sáng lập kiêm CEO Grab Anthony Tan nhận xét: “Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình của chúng tôi nhằm mở ra cơ hội tiếp cận cho mọi người để hưởng lợi từ kinh tế số”.

Tại Indonesia, Gojek và Tokopedia đang đàm phán sáp nhập và niêm yết tại trong nước cũng như Mỹ. Công ty du lịch trực tuyến Traveloka cân nhắc lên sàn, tương tự Grab, thông qua sáp nhập với SPAC. Nếu thành công, các kỳ lân khác trong khu vực có thể đi đúng lộ trình, tiềm năng biến Đông Nam Á thành quê hương của nhiều công ty công nghệ đại chúng, thách thức vị trí mà Mỹ và Trung Quốc tận hưởng thời gian qua.

Doanh nghiệp công nghệ Đông Nam Á có lợi thế chỉ tập trung vào quê nhà, giúp họ chống lại sự xâm nhập của đối thủ Mỹ và Trung Quốc. Thành lập năm 2012 dưới dạng ứng dụng gọi xe, Grab nhanh chóng mở rộng sang chuyển phát, tài chính và trở thành siêu ứng dụng hàng đầu với hơn 200 triệu lượt tải. Tại một hội thảo của Nikkei năm 2019, đồng sáng lập Grab Tan Hooi Ling khẳng định họ “thực sự hiểu nhu cầu khách hàng địa phương”.

Grab từng cạnh tranh kịch liệt với Uber song đã “hất cẳng” bằng cách mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á năm 2018. Đổi lại, Uber có cổ phần trong Grab. Các thương hiệu toàn cầu khác cũng chọn cách bắt tay với người chơi địa phương thay vì đối đầu. Didi Chuxing của Trung Quốc đang đầu tư vào Grab, còn Google và Tencent hậu thuẫn Gojek.

Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các tập đoàn công nghệ khu vực lại đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Hệ quả là Grab, Gojek, Tokopedia và Sea đều chưa có lợi nhuận. Đây có thể là một lý do Grab chọn phát hành chứng khoán thông qua SPAC. Nó loại bỏ một số khó khăn của quy trình niêm yết truyền thống, cho phép startup nhanh chóng huy động được nguồn vốn cần thiết. Theo thỏa thuận, Grab sẽ nhận được khoảng 4,5 tỷ USD tiền mặt.

Những bên được hưởng lợi nhất chính là các nhà đầu tư vào Grab ngay từ đầu, bao gồm quỹ Vision Fund của SoftBank Group. Dù vậy, Grab niêm yết đồng nghĩa với rủi ro và cơ hội mà Vision Fund và các nhà đầu tư khác đang gánh trong các năm qua sẽ được chuyển sang người khác, trong đó có nhiều nhà đầu tư tư nhân.

Grab còn phải chứng minh họ có xứng đáng với mức định giá gần 40 tỷ USD hay không. Một giám đốc tại tổ chức tài chính đang đầu tư vào Grab thừa nhận ông lo ngại về “thị trường quá nóng” (mở rộng nhanh chóng, không bền vững).

Trong khi đó, ông Tan tự tin có thể giúp công ty “tăng trưởng nhanh, bền vững”. Ông nhắc tới việc sáp nhập với SPAC là “con đường tốt nhất để phát hành cổ phiếu”. Khi trở thành CEO của một công ty đại chúng, ông cần phải thể hiện điều đó, không chỉ với các nhà đầu tư mạo hiểm quen thuộc từ khi khởi nghiệp mà với nhiều loại cổ đông hơn, những người có thể không kiên nhẫn như vậy.

Du Lam (Theo Nikkei)

Gã "khổng lồ" Grab thua lỗ, nhà đầu tư vẫn chờ cơ hội

Gã "khổng lồ" Grab thua lỗ, nhà đầu tư vẫn chờ cơ hội

Một chuyên gia phân tích cấp cao nhận định các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao thời điểm Grab thu về lợi nhuận.