Lợi nhuận 34%/năm
Gần đây, trên các diễn đàn đầu tư bất động sản (BĐS) xuất hiện hình thức mời gọi góp vốn mua đất trồng sầu riêng. Có những quan điểm trái chiều xung quanh hình thức đầu tư mới lạ này, song lợi nhuận cam kết khá cao mà không phải làm gì khiến cho không ít người tò mò.
Trong vai nhà đầu tư muốn tìm hiểu hình thức đầu tư mới này, chúng tôi liên hệ với một nhân viên môi giới của Công ty V.A, trụ sở tại Q.Tân Phú, TP.HCM.
Theo môi giới này, đây là hình thức hợp tác giữa công ty và nhà đầu tư để trồng mới các vườn sầu riêng tại Tây Nguyên và một số tỉnh khác. Đất trồng cây là quỹ đất công ty sử dụng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trồng cây.
Diện tích mỗi vườn tiêu chuẩn 1000m2 (sào). Trong đó, phần vốn góp của công ty là quỹ đất và vốn góp tương ứng của nhà đầu tư là 100 triệu đồng.
“Vốn góp của nhà đầu tư sẽ dùng để trồng mới vườn sầu riêng trên đất của công ty. Lợi nhuận được chia bình quân 34 triệu đồng/năm và kéo dài 20 năm. Ngoài các lợi ích, nhà đầu tư còn được cam kết chia lợi nhuận theo từng giai đoạn” môi giới tư vấn.
Cụ thể, 5 năm đầu, mỗi năm nhà đầu tư được hưởng 12 ngày nghỉ dưỡng (6 triệu đồng) và 75kg sầu riêng (4,5 triệu đồng). Được chọn nhận hiện vật hoặc tiền mặt.
Từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, mỗi năm nhà đầu tư có 12 ngày nghỉ dưỡng, 75kg sầu riêng và 30 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận 42,9%/năm.
Cũng với ngày nghỉ dưỡng và lượng sầu riêng nhận được như các năm trước, từ năm thứ 11 đến năm thứ 20, nhà đầu tư được chia 35 triệu đồng/năm. Tổng mỗi năm nhà đầu tư nhận được 51,5 triệu đồng, lợi nhuận 51,5%/năm.
Theo môi giới, tổng thu nhập của nhà đầu tư trong 20 năm là 782 triệu đồng/sào. Trừ đi vốn ban đầu, nhà đầu tư “bỏ túi” 34,1 triệu đồng/sào/năm, lợi nhuận 34,1%/năm.
“Nhà đầu tư được đứng tên sổ đỏ mỗi sào của công ty để đảm bảo quyền lợi. Nếu công ty không thực hiện theo cam kết, sổ đỏ sẽ thuộc về nhà đầu tư hoặc bán thanh lý để hoàn tiền”, môi giới này nói.
Tiềm ẩn rủi ro
Dưới góc độ pháp lý khi góp vốn mua chung đất như hình thức nói, theo luật sư Nguyễn Minh Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), Luật Đất đai 2013 có quy định thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng thì tất cả sẽ được ghi tên trên sổ đỏ.
Rủi ro ở đây là từng cá nhân không thể toàn quyền quyết định “số phận” thửa đất đó. Khi muốn chuyển nhượng phải được sự đồng ý của tất cả người đứng tên.
Với lời mời gọi góp vốn trồng sầu riêng mà không phải làm gì cũng có lãi, ông L.N.T, người có 20 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng ở Đắk Lắk cho biết, trồng loại cây này không hề “dễ ăn”.
Theo ông T, giá đất nông nghiệp ở Tây Nguyên đang khá cao. Muốn lãi phải có đất rộng. Người trồng sầu riêng phải am hiểu kỹ thuật bởi đây là loại cây “khó tính”, năng suất phụ thuộc vào thời tiết lúc ra hoa và phòng chống sâu bệnh.
Cách đây vài tháng, với giá bán 40.000 đồng/kg, ông T. thu khoảng 70 triệu đồng/sào sầu riêng. Tuy vậy, có vườn đột nhiên khô lá, chết hàng loạt trước mùa mưa.
“Các giống sầu riêng mới có bán giá cao hơn nhưng mất nhiều công chăm sóc và chi phí cũng cao hơn. Mỗi hecta có thể thu về vài trăm triệu. Vấn đề là khi góp vốn, nhà đầu tư cần kiểm soát chi phí đầu vào chứ không thể khoán trắng cho người khác”, ông T. nói.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc và với cách thu hoạch đồng loạt như hiện nay sẽ rất bấp bênh, nỗi lo vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” vẫn còn đó.