Cưới nhau tròn năm, Thúy Hà, ở TPHCM đang hết sức mệt mỏi với vấn đề tiền anh, tiền tôi.
Trong thời gian yêu nhau, Hà thấy Thanh khá thoải mái về chuyện tiền nong. Hơn nữa cô cũng đi làm, thu nhập ổn nên lúc đó cả hai không mấy khi chung đụng về tiền bạc.
Sau khi cưới, hai vợ chồng cũng đã trao đổi về vấn đề tài chính. Thanh nói với vợ, anh là dân kinh doanh, biết cách để tiền đẻ ra tiền nên tiền làm ra anh sẽ tự giữ để sinh lời cho tương lai. Còn trước mắt gia đình vẫn duy trì tiền ai nấy tiêu.
Lúc đầu, Hà đồng ý vì thấy mình dân văn phòng làm công ăn lương, không giỏi trong việc sinh lãi đồng tiền. Cô cũng không biết rõ thu nhập của chồng và cũng ngại can thiệp, sợ biết nhiều mệt nhiều.
Tuy nhiên, sau một thời gian "thân ai nấy lo", Hà thấy không ổn chút nào. Gọi là tiền ai nấy xài nhưng hầu hết, mọi chi tiêu ăn uống, sinh hoạt của hai vợ chồng trong nhà đều qua tay Hà quán xuyến, cô phải gồng gánh gần như toàn bộ chi phí cho cả hai vợ chồng.
Lâu lâu, cô nhắn hóa đơn tiền điện, internet thì Thanh mới chuyển tiền thanh toán mà anh tỏ thái độ như thể đang đóng giúp phần vợ.
Ngoài tiền chi tiêu, trong nhà còn sắm sanh đồ đạc, hỏng hóc này kia... cô cũng phải tự xoay xở, Hà lên tiếng là Thanh xẵng giọng có mấy thứ vụn vặt mà cô tính toán này kia. Tiền lương hơn 10 triệu đồng của Hà tháng nào cũng thiếu trước hụt sau.
Hà trao đổi lại với Thanh, hai vợ chồng sống chung, không còn như lúc mới yêu cần có một khoản chung hàng tháng để chi tiêu. Thanh gật đầu, nói để cho công bằng, anh đưa cho vợ mỗi tháng 5 triệu, cô bỏ vào thêm 5 triệu lo cho ăn uống sinh hoạt.
Mấy tháng gần đây, Hà buôn bán online thêm, cô gom góp được ít tiền, mỗi tháng để dành được chỉ vàng.
Hà không hề giấu chồng, còn phấn khởi thủ thỉ khoe với Thanh. Nào ngờ, chồng cô khẳng định, tiền anh đưa cô chi tiêu nhưng cô xài không hết, để dành được nên mới có tiền mua vàng làm của riêng.
Hà giải thích, chi tiêu ở thành phố, hai vợ chồng mỗi người 5 triệu, cô đứng ra lo toàn bộ ăn uống chi tiêu, sinh hoạt trong nhà, thứ gì anh cũng muốn ăn ngon, dùng đồ tốt.
Từ ngày góp tiền, vợ chồng đi ăn tiệm mỗi lần vài trăm, cả triệu anh nhất quyết không trả mà hoàn toàn chuyển hết sang phần cho vợ.
Chưa kể, Thanh kéo bạn nhậu về nhà, xem bóng banh đủ kiểu, anh xuống siêu thị dưới chung cư mua bia, mồi... cũng ký nợ, đưa hóa đơn cho vợ thanh toán. Đặt mua đồ online, anh cũng để phần vợ xuống nhận, để vợ thanh toán.
Thấy Thanh bĩu môi đầy vẻ mỉa mai, Hà tuyên bố sẽ ghi chi tiêu hàng tháng cho anh xem, tháng nào tháng nấy hết sạch, có khi cô còn bù vào.
Được vài tháng, Hà oải không ghi nữa, Thanh lại cười mỉa nói lâu lâu mới xài hết, chứ chắc chắn phần lớn là dư, bỉ bôi luôn cả việc cô sắm sanh quần áo, son phấn này kia hẳn là dùng tiền dư từ chồng.
Thanh khẳng định chắc nịch tiền cô mua vàng, là dùng tiền dư của chồng nên anh sẽ tính toán lại, mỗi tháng chỉ góp chung 2 - 3 triệu cho công bằng.
Người vợ trẻ nghẹn đắng, chẳng lẽ lại nói, anh khỏi phải góp, từ nay tôi nuôi luôn anh. Hà đang rất băn khoăn về kế hoạch chuẩn bị sinh con của mình...
Theo Dân Trí
Nghèo thì vui, lúc có tiền vợ chồng lại mâu thuẫn
Tôi cứ nghĩ có tiền rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp lên, nhưng không ngờ rằng, quãng thời gian lập nghiệp gian khó lại là những ngày tháng hạnh phúc nhất.