Google tung 'vũ khí' AI mới đấu OpenAI
Tại hội nghị I/O thường niên dành cho nhà phát triển, Google đã công bố hàng loạt sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI), từ tìm kiếm, chat đến phần cứng AI cho khách hàng doanh nghiệp.
Theo CNBC, nhiều tính năng hay công cụ Google giới thiệu mới ở giai đoạn thử nghiệm hoặc có sẵn cho lập trình viên, tuy nhiên, chúng giúp hình dung về cách tiếp cận của “ông lớn” này trong lĩnh vực AI.
Cạnh tranh với OpenAI, Google giới thiệu Veo, mô hình tạo video HD và Imagen 3, mô hình tạo ảnh tại I/O 2024 với cam kết hình ảnh chân thật, không giả tạo như các mô hình trước đó của hãng.
Theo Google, Veo có thể tạo ra các cảnh quay nhất quán và mạch lạc, giúp mô tả chuyển động thực tế của con người, động vật và đồ vật trong suốt các cảnh quay.
Đây được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mô hình AI Sora của OpenAI.
Công cụ sẽ có sẵn với một số nhà sáng tạo được lựa chọn và cập bến Vertex AI, nền tảng máy học cho phép nhà phát triển đào tạo và triển khai ứng dụng AI.
Shopee lập kỷ lục doanh thu
Tập đoàn Sea – công ty mẹ Shopee – ghi nhận doanh thu kỷ lục trong ba tháng đầu năm 2024, cho thấy khả năng lèo lái của Sea giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt với TikTok. Quý I, Sea đạt doanh thu 3,37 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, doanh thu Shopee tăng 31% lên mức kỷ lục 2,95 tỷ USD do đạt số đơn hàng trong một quý cao nhất từ trước tới nay nhờ mở rộng đầu tư vào tính năng livestream và mạng lưới logistics.
Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh, Chủ tịch kiêm CEO Sea Forrest Li bày tỏ “tự tin hơn nhiều về khả năng vượt qua nghịch cảnh và thích nghi nhanh chóng với môi trường thay đổi”.
Theo ông Li, Shopee hiện là nền tảng thương mại điện tử livestream lớn nhất Indonesia, xét theo lượng đơn đặt hàng livestream trung bình hàng ngày. Ông tin rằng công ty đang đi đúng hướng và sẽ đạt kết quả kinh doanh cả năm như dự đoán.
Hàn Quốc 'bơm' hơn 7 tỷ USD cho sản xuất chip
Ngày 12/5, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cho biết, Chính phủ nước này sẽ sớm chuẩn bị gói hỗ trợ đầu tư và nghiên cứu chip trị giá hơn 10 nghìn tỷ won (khoảng 7,3 tỷ USD).
Mục tiêu của gói hỗ trợ này nhằm giành ngôi vị dẫn đầu trong cuộc đua khốc liệt của ngành bán dẫn thế giới, theo CGTN.
Ông Sang-mok cho biết, chương trình gồm các đề nghị cho vay với chính sách ưu đãi. Một quỹ mới cũng sẽ được thành lập để phục vụ lĩnh vực bán dẫn, từ nguồn tài trợ của các tổ chức tài chính.
Hàn Quốc cũng đang xây dựng một khu vực dành riêng cho ngành bán dẫn ở Yongin, phía nam thủ đô Seoul, nơi được coi là khu phức hợp công nghệ cao lớn nhất thế giới.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố nước này sẽ dồn mọi nguồn lực để giành chiến thắng trong cuộc đua sản xuất chip.
Đông Nam Á ngày càng quan trọng với Big Tech thế giới
Hãng tin tài chính Bloomberg nhận định, sau nhiều thập kỷ đóng vai trò thứ hai sau Trung Quốc và Nhật Bản, khu vực khoảng 675 triệu dân đang thu hút nhiều đầu tư công nghệ hơn bao giờ hết. Chỉ riêng đối với các trung tâm dữ liệu, các công ty lớn nhất thế giới sẽ vung tới 60 tỷ USD trong vài năm tới vào Đông Nam Á.
CEO Apple, Microsoft và Nvidia nằm trong số các nhân vật cấp cao của ngành công nghệ thế giới đã đến Đông Nam Á trong những tháng qua.
Với lực lượng lao động ngày càng tăng, Đông Nam Á có tiềm năng thay thế Trung Quốc như trung tâm nhân tài hỗ trợ hoạt động toàn cầu của Big Tech. Khi các chính phủ thúc đẩy nâng cấp giáo dục và hạ tầng, nó trở nên hấp dẫn cho mọi thứ, từ sản xuất, trung tâm dữ liệu đến nghiên cứu và thiết kế.
Đông Nam Á cũng đã trở thành một thị trường lớn của các tiện ích và dịch vụ trực tuyến. Khoảng 65% dân số Đông Nam Á sẽ là tầng lớp trung lưu vào năm 2030, với sức mua ngày càng tăng, theo ước tính của chính phủ Singapore. Điều đó sẽ giúp tăng gấp đôi thị trường dịch vụ Internet của khu vực lên 600 tỷ USD, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co.
Big Tech đang nắm bắt những lợi thế như lực lượng lao động tay nghề cao, hữu ích cho việc xây dựng các công nghệ đắt tiền như các mô hình ngôn ngữ lớn ở Đông Nam Á.