Thừa nhận thất bại?
Google – công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới đã hiện diện ở Trung Quốc từ đầu năm 2000 nhưng phải đến tận năm 2005 hãng này mới chính thức khai trương văn phòng của mình ở Trung Quốc đại lục cùng với việc ra mắt phiên bản Google Trung Quốc (Google.cn). Dù vẫn thống trị thị trường tìm kiếm ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, tại đất nước đông dân nhất thế giới này Google vẫn chỉ là cái bóng của Baidu – một công cụ tìm kiếm bản địa.
Không khó để mọi người đặt ra câu hỏi: Tại sao với một tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ vượt trội và uy tín thương hiệu khổng lồ, Google lại không thể thành công ở một thị trường có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới này? Phải chăng, hành động đổ lỗi cho việc “bị kiểm duyệt” là cái cớ để Google “rút lui trong danh dự” và lảng tránh được việc thừa nhận thất bại của mình?
Nhưng cho dù lý do mà họ đưa ra là gì, nếu rút khỏi Trung Quốc, thế giới vẫn gọi đó là cú vấp ngã lớn nhất lịch sử của hãng tìm kiếm khổng lồ này.
Chưa hết, với lý do mà Google đưa ra hôm 13/1 rằng: Đã điều tra và phát hiện một loạt những vụ tấn công có chủ đích nhằm vào tài khoản email của 34 công ty nước ngoài nằm trên hệ thống Gmail của họ. Google không chỉ ra ai là thủ phạm hay họ nghi ngờ cho “đối tượng nào” nhưng hầu hết đều hiểu họ đang nhắm đến ai để đổ lỗi. Nhưng có lẽ Google đã quên không nhớ ra một điều rằng nếu họ tuyên bố rút lui khỏi Trung Quốc chỉ vì bị tấn công dẫn đến gián đoạn dịch vụ, người dùng không thể không hiểu rằng Google đã thất bại trong việc bảo vệ chính mình và bảo vệ khách hàng của mình. Với một thương hiệu như Google, mất uy tín đồng nghĩa với việc sẽ mất rất nhiều.
Bỏ rơi đối tác?
Google từ bỏ Trung Quốc sẽ còn là một “cú sốc” với không ít doanh nghiệp, với các nhà đầu tư và đối tác của họ đang làm ăn tại thị trường này.
Hồi tháng 3 năm ngoái, Google đã hợp tác với Top100.cn – hãng thu âm và kinh doanh âm nhạc lớn thứ 4 thế giới (sau Warner Music, Universal Music, EMI và Sony Music Entertainment) để cung cấp dịch vụ Google Music – dịch vụ nghe và tải nhạc trực tuyến miễn phí kèm quảng cáo.
Sina – một trong những cổng thông tin lớn nhất thế giới hiện đang là đối tác của Google trong việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp Mỹ ngay trên trang chủ của họ. Chưa hết, China Mobile – hãng viễn thông di động Trung Quốc hiện có số lượng thuê bao lớn nhất thế giới cũng đang hợp tác rất chặt chẽ với Google. Họ cung cấp dịch vụ tìm kiếm sử dụng công cụ của Google trên các mẫu điện thoại của mình. Họ dự định sẽ tăng cường sử dụng nền tảng di động Android do Google phát triển để cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường smartphone…
Và giờ đây, khi Google rút đi, chắc chắn những mối quan hệ này sẽ vẫn được tiếp tục nhưng sẽ bị tổn thất nặng nề cho cả 2 bên.
Hãng nghiên cứu và điều tra thị trường China IntelliConsulting cũng đặt ra câu hỏi: 80 triệu người dùng Trung Quốc đang sử dụng các dịch vụ của Google sẽ đi về đâu?
Rõ ràng, những lý do này sẽ khiến Google chưa thể thực hiện được tuyên bố của mình mà như một số ý kiến phân tích đã cho rằng thực chất Google chỉ đang “dọa” chính quyền Trung Quốc để đạt được những yêu sách của mình trong một số mối bất đồng khác.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 7 ra ngày 15/1/2010