Các nhà quản lý chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ công bố phạt Google số tiền kỷ lục trong tuần này.

{keywords}

Theo các nguồn tin, với sự quyết liệt của Margrethe Vestager, quan chức phụ trách cạnh tranh của EU, liên minh này sẽ ra quyết định buộc Google phải nộp một khoản tiền phạt cực lớn vì vi phạm luật chống độc quyền của EU. Khoản tiền phạt dành cho đại gia công nghệ Mỹ này dự kiến sẽ phá vỡ kỷ lục phạt tiền 1,06 tỉ Euro trước đó đối với Intel, nhà sản xuất chip đồng hương của Google vào năm 2009.

Hơn thế nữa, Brussels sẽ yêu cầu Google phải thay đổi các hoạt động kinh doanh để giải quyết các quan ngại của EU.

Dự kiến trong ngày 27/6 hoặc 28/6, EU sẽ công bố quyết định trên. Động thái xảy ra khoảng một năm sau khi bà Vestager gây sốc toàn thế giới và khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tức giận bằng một sắc lệnh đòi Apple phải trả lại 13 tỉ Euro tiền hoàn thuế ở Ireland.

Các nguồn thạo tin ước tính, khoản tiền phạt mới đối với Google vào khoảng 1,1 - 2 tỉ Euro. Mặc dù đây là số tiền phạt kỷ lục, nhưng nó vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức phạt tối đa là 10% tổng doanh thu năm ngoái của Google (tương đương gần 8 tỉ Euro).

Các nhà chức trách EU hiện cáo buộc Google cố tình cho các dịch vụ mua sắm trực tuyến của hãng xuất hiện trên đầu các kết quả tìm kiếm, gây thiệt hại cho các dịch vụ tương đương về giá khác. Đây chỉ là một trong ba vụ xử lý chống lại Google và nằm trong số nhiều vụ xử lý chống độc quyền khác, liên quan đến các công ty lớn của Mỹ, bao gồm cả Starbucks, Apple, Amazon và McDonalds.

Trong các vụ khác liên quan đến Google, EU đang điều tra dịch vụ quảng cáo AdSense của hãng cũng như phần mềm Android của hãng dành cho điện thoại di động. Nếu được xác minh phạm luật, Google có thể nhận án phạt sau một thời gian cố gắng thỏa thuận với EU.

Các vụ tranh chấp trên có thể làm gia tăng cẳng thẳng giữa Washington và Brussels, cũng như khiến Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump nổi giận. Ông Trump đã đắc cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng với khẩu hiệu "Nước Mỹ đầu tiên".

"Chúng tôi tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Ủy ban châu Âu (EC). Chúng tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng các cải tiến của chúng tôi trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến rất hữu ích cho khách hàng, các nhà bán lẻ và sự cạnh tranh trên thị trường", phát ngôn viên của Apple nhấn mạnh.

EC hiện từ chối bình luận về sự việc. Với tư cách cơ quan giám sát chính sách cạnh tranh EU, EC đã mở cuộc điều tra đầu tiên đối với Google vào năm 2010 tiếp sau các khiếu nại từ những đối thủ của hãng như Microsoft và Trip Advisor về âm mưu tạo lợi thế bất bình đẳng cho các dịch vụ mua sắm trực tuyến.

Tuấn Anh (theo BGR)