Theo Reuters, nếu cơ quan chức năng Indonesia chứng minh được việc Google né các khoản thuế, gã khổng lồ tìm kiếm có thể đối mặt với truy thu và án phạt lên tới 400 triệu USD chỉ tính riêng năm 2015. 

Theo Vụ trưởng Vụ Các trường hợp đặc biệt của Cơ quan thuế Indonesia, ông Muhammad Haniv, kết quả điều tra xem xét lại việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Google kể từ 2011 đến nay cho thấy, năm ngoái, PT Google Indonesia nộp thuế chưa đến 1% tổng thu nhập và còn nợ thuế giá trị gia tăng. 

Nếu bị kết tội, Google phải trả tiền phạt gấp 4 lần so với tiền nợ, tổng số tiền lên tới 418 triệu USD trong năm 2015. Ông đã không cung cấp thêm số liệu của các năm trước.

Phần lớn doanh thu tại nước này đều được kết toán cho trụ sở của Google tại châu Á - Thái Bình Dương (Google Asia Pacific) đặt ở Singapore. Tháng 6 vừa rồi, Google Indonesia đã từ chối kiểm toán và ngay lập tức, cơ quan thuế nước này vào cuộc.

{keywords}

Google cho rằng họ chỉ phân phối cơ cấu thuế chứ không trốn thuế. Nhưng theo ông Haniv, bản thân việc phân phối thuế là hợp pháp, nhưng nếu phân phối để né thuế đến mức nước sở tại không thu được gì thì rõ ràng là phạm pháp. 

Ông ước tính, tổng doanh thu quảng cáo trên Internet có thể lên tới 820 triệu USD/năm, trong đó 70% doanh thu tới từ Google, ngoài ra có trên Youtube.

Động thái của cơ quan thuế nhắm vào Google trong bối cảnh ngân sách của Indonesia đang giảm sút và thiếu hụt tài chính trong đầu tư hạ tầng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Mulyani cho biết, Indonesia sẽ tiếp tục tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài hoạt động trên Internet để tránh việc trốn thuế tại địa phương.

Trong một tuyên bố, Google cho rằng sẽ hợp tác với cơ quan chức năng và họ luôn tuân thủ các quy tắc về thuế tại địa phương. Google đã phải đồng ý nộp 169 triệu USD cho cơ quan thuế tại Anh.

Tại Việt Nam, Google cũng đang thống trị trong ngành quảng cáo trực tuyến. Doanh thu của Google tăng chóng mặt, lên đến lần lượt 65 triệu năm 2014, năm ngoái là 100 triệu USD. Thông qua hình thức các đại lý và người dùng có thể đăng ký mua quảng cáo trực tiếp từ Google, việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên mạng Internet không hề dễ dàng.

Theo đánh giá của một chuyên gia thuế các đại lý của Google, Facebook tại Việt Nam phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế khi thanh toán với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, việc thu thuế những công ty này rất phức tạp, vì có yếu tố trong và ngoài nước. 

Cơ quan thuế cũng chưa quản lý được hoạt động của những đơn vị có hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam, do các công ty này không có chi nhánh tại Việt Nam, chỉ có đại diện tại Việt Nam. Nơi nhận tiền thanh toán là tài khoản nước ngoài, cơ quan thuế cũng chưa hình dung được muốn đánh thuế, thu thuế thì phải đánh vào đâu.

Do đó, cần phải ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách và quản lý thuế áp dụng đặc thù đối với kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến.

Nam Hải