Chúng ta đang xếp dịch vụ sau vào nhóm “nhạy cảm”: Massage, karaoke, cà phê, hớt tóc gội đầu… Đứng ở góc độ nhất định, các dịch vụ trên cũng cần thiết cho con người. Nếu phải đi hàng chục km mới có thể tiếp cận được dịch vụ gội đầu, hát karaoke lành mạnh thì có tiện không?

Liên quan tới đề xuất của Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) về việc gom các dịch vụ nhạy cảm vào 1 khu vực để quản lý, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm.

{keywords}
Một trang web hoạt động môi giới mại dâm vừa bị xử lý

Quan điểm của ông về đề xuất quy hoạch các dịch vụ nhạy cảm vào 1 nơi của Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM?

Chúng ta phải thừa nhận, tình trạng mại dâm đang ngay càng hoạt động phức tạp. Đối diện với thực tế này, các cấp các ngành đang nỗ lực để phòng chống dù còn gặp nhiều khó khăn.

Tại TPHCM, các cơ quan chức năng đã có nhiều chỉ đạo, điều hành với nhiều cách nghĩ làm sao cho có hiệu quả nhất. Trong đó có ý đề xuất đưa các cơ sở dịch vụ nhạy cảm vào 1 nơi để dễ kiểm soát và quản lý.

Đây là ý tưởng cần được suy nghĩ và nghiên cứu thấu đáo, toàn diện. Quan điểm của tôi là rất khó có thể thực hiện ngay trong thời điểm này.

Ông có thể phân tích rõ hơn những khó khăn khi chấp nhận quan điểm gom các dịch vụ nhạy cảm vào 1 nơi ở thời điểm này?

Muốn tác động tới đối tượng, chúng ta phải xác định rõ đối tượng là gì?

Tương tự cần làm rõ khái niệm “nhạy cảm” như thế nào. Trong thực tế, chúng ta đang xếp dịch vụ sau vào nhóm “nhạy cảm” như: Massage, karaoke, cà phê, hớt tóc gội đầu… Thực sự việc nhìn nhận trên đã chính xác, bao quát hết chưa? Và gọi là “nhạy cảm” thì phải định nghĩa cụ thể và phân loại cụ thể.

Đứng ở góc độ nhất định, các dịch vụ trên cũng cần thiết cho con người. Vì vậy, nó mới được cấp phép hoạt động. Dịch vụ phục vụ cho con người và cộng đồng, thì phải tiện lợi cho việc tiếp cận.

“Công tác giám sát việc thực Luật lao động, đóng bảo hiểm xã hội đối với nhân viên làm ở lĩnh vực nhạy cảm, là điều chúng ta phải tăng cường ở bất cứ nơi đâu, không chỉ dựa vào việc gom 1 khu vực riêng. Lực lượng chức năng chưa đủ sức để quán xuyến hết trên địa bàn, vì nhiều việc và thiếu người, nhưng cũng có tình trạng xem nhẹ chưa quan tâm” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết.

Nếu người dân phải đi hàng chục km mới có thể tiếp cận được dịch vụ gội đầu, uống cà phê hoặc hát karaoke lành mạnh thì có tiện hay không?

Trong khi đó, đa số người dân Việt Nam vẫn quen kinh doanh ở mặt phố đông đúc hoặc ở ngay nhà mình. Chưa nhiều người có điều kiện và tâm lý đầu tư ở 1 khu riêng biệt, cách xa nơi đông đúc.

Trường hợp chúng ta gom các dịch vụ vào 1 khu thì chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ kiểm soát triệt để không cho mại dâm hoạt động hay làm ngơ ở mức độ nào? Trong khi đó, Việt Nam vẫn coi mại dâm là bất hợp pháp. Đó là vấn đề phải nghiên cứu.

Xin lưu ý thêm, mại dâm ở Việt Nam có đặc điểm luôn trá hình, không giống một số nước ngoài. Chị em làm nghề này cũng không bao giờ muốn để người thân, bạn bè biết. Nếu quy hoạch vào 1 khu riêng, chúng ta dễ tưởng chỉ cần giám sát trong đó, nhưng vì đặc thù trá hình nên dễ buông lỏng quản lý bên ngoài.

Do vậy, ý tưởng của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM cần được nghiên cứu kỹ, thảo luận ở nhiều hội thảo có sự tham gia của các ngành. Mỗi ngành có chức năng của mình để nghiên cứu ý tưởng trên.

Tất nhiên, quan điểm thống nhất của chúng ta là không chấp nhận mại dâm hợp pháp.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm

Ông có nhắc tới mặt trái của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng tới mục tiêu quản lý triệt để trong ý tưởng gom các dịch vụ nhạy cảm vào 1 nơi? Vậy theo ông gốc của vấn đề phòng, chống mại dâm cần bắt đầu từ đâu?

Mặt trái của công nghệ thông tin đã giúp người mua dâm và bán dâm liên hệ trực tiếp với nhau chứ không cần qua cơ sở cố định. Qua đó, họ hẹn nhau để trá hình dưới dạng đi du lịch, thậm chí có thể đi theo từng đoàn không chỉ trong nước mà nước ngoài.

“Trong khu vực ASEAN, Singapore là nước cấm hoạt động mại dâm và khu vực nhạy cảm. Ở Thái Lan, luật pháp về cơ bản cấm, nhưng chỉ có 1 số nơi có sự làm ngơ. Mỗi nước có văn hóa khác nhau, sự hội nhập không có nghĩa là chũng ta phải làm giống các nước” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói.

Theo tôi, để phòng chống mại dâm tận gốc, chúng ta cần phân tích rõ từng nhóm đối tượng làm nghề mại dâm. Có người làm nghề vì hoàn cảnh bất đắc dĩ, đường cùng, chúng ta cần tiếp cận để giúp đỡ họ. Ngoài ra, có người bị lừa đảo và cưỡng ép thì chúng ta phải giải thoát và đưa họ trở lại cộng đồng nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong đó vẫn có nhóm đối tượng thích nhàn nhã, không muốn lao động chân chính. Chúng ta muốn tác động tới họ nhưng không dễ.

Bởi vậy, cần nâng cao truyền thông để cho những người đang hoạt động mại dâm có kỹ năng sống và phòng chống các bệnh sống làm sao để không gây hại cho mình mà cho cộng đồng.

Đồng thời lồng ghép các chính sách an sinh xã hội, về việc làm, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe… Đặc biệt là nhóm đối tượng ở vùng sâu vùng xa, nơi mà có nhu cơ thất nghiệp va thiếu thông tin.

Xin cảm ơn ông!

Con số 11.000 người bán dâm có đúng thực tế?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: "Cả nước có khoảng 11.000 xã phường, trong đó hơn 9.000 xã phường khẳng định không có mại dâm trên địa bàn.

Điều này có thể tin cậy được. Vì các vùng nông thôn xã xôi, vùng thuần nông thì có thể kiểm soát được, họ vẫn giữ được những nếp văn hóa và không có hoạt động bất thường.

Còn lại gần 2.000 xã phường có dấu hiệu mại dâm, mà chủ yếu là ở các thị trấn, phường và điểm du lịch. Con số này đã phần nào nói gần lên thực tế. Số 11.000 người bán dâm tập trung chủ yếu ở đây.

Tất nhiên, còn một bộ phận hoạt động mại dâm dùng công nghệ cao có, nhưng chắc chắn không nhiều. Chủ yếu là hoạt động ở dạng bình thường và trá hình ở quán massage, gội đầu, karaoke, cà phê đèn mờ.

Tiếp cận đúng với thực tế là khó với các cơ quan chức năng. Vì mại dâm ở Việt Nam là trá hình, chỉ khi nào bắt được quả tang mới có thể thống kê được. Nó không như ma túy, người nghiện ma túy dễ bị phát hiện do có cơn nghiện".

(Theo Dân trí)