An Giang vẫn thường được mọi người gọi trìu mến bằng cái tên "tiểu Miền Tây" bởi vẻ đẹp điển hình của sông nước Nam Bộ. Dưới đây là lịch trình trọn vẹn nhất khám phá vùng đất này trong 3 ngày dành cho những bạn trẻ ham phám phá.
Được mệnh danh là vùng đất Thất Sơn - bảy ngọn núi, An Giang là một trong 13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và cũng là tỉnh đầu nguồn dòng sông Hậu, nơi con sông Mê Kông bắt nguồn vào đất Việt. Chính vì vậy không khó hiểu khi đây là tỉnh được đánh giá đa dạng địa hình và mang vẻ đẹp thuần miền Tây nhất.
Là tỉnh duy nhất có hệ thống núi đồi bao quanh vùng đồng bằng trù phú cùng những cánh đồng thẳng cánh cò bay, An Giang còn là nơi mà sự đa dạng của văn hóa được thể hiện đậm nét với sự giao thoa của các dân tộc: Kinh - Chăm - Khmer - Hoa cùng sinh sống. Đi dọc đất An Giang không khó để bạn có thể bắt gặp cùng lúc hệ thống chùa chiền người Khmer, những kiến trúc Campuchia điển hình, hay những thánh đường Hồi giáo thiêng liêng của cộng đồng người Chăm.
Người An Giang luôn tự hào về vùng đất của họ với những danh thắng nổi tiếng cả nước. Là rừng tràm Trà Sư với mùa nước nổi điển hình của miền Tây - được len lỏi trên tấm thảm bèo xanh mướt giữa mênh mông rừng tràm; là những ngọn núi thiêng trấn giữ biên cương như núi Sam, núi Cấm, núi Cô Tô; là những cánh đồng thốt nốt xen đồng lúa phì nhiêu; lễ hội đua bò truyền thống...
Và cũng không thể bỏ qua ẩm thực khi đến với vùng đất này. Được thiên nhiên ưu đãi với địa lý đầu nguồn dòng sông Hậu cùng nguồn lợi tôm cá phì nhiêu, An Giang là một "thiên đường" ẩm thực đúng nghĩa với những món ăn "đặc sệt" chất Nam Bộ, đó là còn chưa kể đến những món ăn khác lạ của người Chăm, Khmer đóng góp cho sự đa dạng của ẩm thực nơi đây.
Các điểm tham quan nổi bật
Rừng tràm Trà Sư: Là một trong những khu sinh thái, rừng quốc gia nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ, rừng tràm Trà Sư cũng là điểm tham quan đặc sắc nhất dành cho du khách khi đến với An Giang. Nằm trên địa bàn xã Văn Gáo, huyện Tịnh Biên, Trà Sư chỉ cách trung tâm thành phố Châu Đốc chừng 20 km.
Với 850 ha rừng tràm xanh mướt, Trà Sư cũng là mái nhà chung của 140 loại thực vật, 11 loài thú, 23 loài cá và 70 loài chim quý hiếm. Đến thăm Trà Sư du khách sẽ có cơ hội được hòa mình vào thiên nhiên, len lỏi trong mênh mông rừng tràm, theo xuồng ba lá, tắc ráng lướt trên những "tấm thảm" bèo tây ken đặc dọc ngang khu rừng tràm.
Hồ Búng Bình Thiên: Được mệnh danh là Hồ gương trời, Búng Bình Thiên là một "báu vật" của cư dân đồng bào Chăm Islam huyện An Phú. Nằm sát biên giới Campuchia, thông với sông Bình Di - nhánh dòng sông Hậu, nhưng Búng Bình Thiên luôn trong xanh đến ngỡ ngàng, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt bên cạnh vựa tôm cá lớn cho cả vùng.
Đến với hồ Búng Bình Thiên du khách sẽ được tham quan thánh đường Hồi giáo Mas Jid Khay Ri Yah - nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh đặc sắc của đồng bào Chăm Islam. Đặc biệt hiện tại nơi đây đã có dịch vụ homestay dành cho du khách phương xa muốn ở lại trải nghiệm cuộc sống dân dã, tìm hiểu những nét văn hóa của cộng đồng người Chăm huyện An Phú.
Chợ Châu Đốc: Nằm giữa trung tâm thành phố Châu Đốc, chợ Châu Đốc là điểm đến không thể bỏ qua với nhiều người, đặc biệt với những ai có nhu cầu mua quà về biếu. Được coi là vương quốc các loài mắm, hiện chợ Châu Đốc là đầu mối cung cấp hàng trăm loại mắm đặc sản: từ mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, mắm rô, mắm ba khía... Ngoài ra nơi đây còn là thiên đường với những tín đồ ăn vặt, với vô vàn các loại bánh, chè đầy màu sắc của miền Tây.
Núi Sam & Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam: Là một trong bảy ngọn núi của dải Thất Sơn, núi Sam nằm tại phường Núi Sam, cao 284 m với chu vi 5.200 m. Núi Sam còn có tên gọi Vĩnh Tế Sơn, do vua Minh Mạng đặt ghi danh công trạng của Thoại Ngọc Hầu trong việc hình thành kênh Vĩnh Tế phục vụ tưới tiêu, giao thông, thương mại cho cả vùng. Đường lên núi Sam uốn vòng trôn ốc với cảnh đẹp An Giang trù phú trước mắt, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, đặc biệt quan sát được một phần kênh Vĩnh Tế chạy song song với đường biên giới Việt - Campuchia.
Núi Sam ngày nay là khu du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước, đón hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm. Điểm nhấn trong chuỗi quần thể tâm linh nơi đây là Miếu Bà Chúa Xứ với kiến trúc nguy nga tráng lệ, là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc hiện đại cùng bản sắc dân tộc. Trong miếu thờ Bà Chúa được tạc tượng bằng đá xanh, đặc biệt được nhân dân chiêm bái vì nổi tiếng linh thiêng nhất.
Lăng Thoại Ngọc Hầu: Nằm trong cụm di tích, khu du lịch tâm linh dưới chân núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình nguyên vẹn hiếm hoi của thời Nguyễn còn sót lại. Khác với các lăng miếu khác luôn tấp nập ồn ào, bước chân vào đây du khách sẽ cảm nhận được sự lặng lẽ một cách đầy trang nghiêm, thành kính. Còn có tên gọi là Sơn Lăng, di tích này vừa là phần mộ, vừa là nơi thờ cúng Thoại Ngọc Hầu, một vị tướng được nhân dân An Giang đặc biệt biết ơn với những công trạng hiển hách trong những năm tháng làm quan nơi đây.
Núi Cấm: Tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, núi Cấm là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn của tỉnh An Giang. Có chiều cao lên đến 760 m so với mực nước biển, núi Cấm được coi là nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long với khí hậu quanh năm mát mẻ được ví như tiết trời của Đà Lạt.
Còn có tên gọi Thiên Cấm Sơn, núi Cấm ngày nay đã trở thành một khu du lịch nổi tiếng với cáp treo lên tới tận đỉnh, từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh những cánh đồng lúa mênh mông, những cánh đồng cây thốt nốt lúp xúp, trải dài tới tận biển Hà Tiên cũng như vùng biên giới Tây Nam của tổ quốc. Một điểm nhấn không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với núi Cấm chính là tượng Phật Di Lặc cao 33 m, được coi là tượng Di Lặc cao nhất toàn Đông Nam Á.
Nhà mồ Ba Chúc: Ba Chúc là xã có nhiều đồng bào Khmer sinh sống, thuộc huyện Tri Tôn cách biên giới Campuchia chỉ 7 km. Đây là địa danh ghi dấu tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt gây ra với nhân dân Việt Nam.
Chùa Xvayton: An Giang là nơi có nhiều ngôi chùa người Khmer với kiến trúc rất đẹp. Đối với người Khmer chùa là nơi thờ Phật, là trung tâm văn hóa, nơi giữ gìn phong tục tập quán. Với niên đại hơn 200 năm tuổi, chùa Xvayton hay còn gọi là chùa Xà Tón là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của tỉnh, nằm giữa trung tâm huyện lị Tri Tôn, chùa Xà Tón được coi là ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp ở miền Tây, đạt kỉ lục Việt Nam là nơi lưu giữ được sách kinh lá nhiều nhất hiện nay.
Hồ Tà Pạ: Hồ Tà Pạ nằm trên núi Tà Pạ thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Là hồ nước được hình thành trong quá trình khai thác đá năm xưa, hồ Tà Pạ thu hút rất nhiều bạn trẻ đến thăm bởi màu xanh như ngọc bích, trong vắt rõ đáy, bao quanh là những vách đá sừng sững tạo nên một bức tranh sơn thủy quyến rũ lòng người.
Thời gian thích hợp
Thời gian đẹp nhất để đến thăm An Giang rơi vào hai thời điểm chính trong năm. Thời điểm tháng 5-6 mùa cây ăn trái, du khách sẽ được "bao đã" các loại hoa quả nhiệt đới tại các nhà vườn cây ăn trái trong vùng. Thời điểm tháng 9-10-11 rơi vào mùa nước nổi, với vẻ đẹp sông nước điển hình cùng những cánh đồng bước vào vụ lúa chín.
Phương tiện
Do chưa có đường bay chính thức đến An Giang, bạn sẽ phải qua một chặng trung chuyển mới có thể đến với thành phố Châu Đốc hoặc thành phố Long Xuyên. Cụ thể nếu từ Sài Gòn phổ biến nhất là hành trình xuất phát tại bến xe miền Tây, với rất nhiều hãng xe khai thác chặng Sài Gòn - Châu Đốc, Sài Gòn - Long Xuyên với đa dạng giờ giấc cho du khách lựa chọn. Hoặc nếu bay từ Hà Nội vào thẳng thành phố Cần Thơ, chỉ hơn 1h xe khách theo lộ trình Cần Thơ - Long Xuyên là bạn đã đặt chân đến vùng đất xinh đẹp An Giang này rồi.
Nếu như Long Xuyên là thủ phủ của An Giang với hạ tầng đô thị phát triển đi kèm đầy đủ các dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ, đi lại (từ taxi đến dịch vụ thuê xe máy sẵn có), thì thành phố Châu Đốc hiện nay vẫn còn hạn chế nhiều mặt, và tiềm năng du lịch chưa phát triển tương xứng với những gì vùng đất này có. Bạn có thể thuê khách sạn, nhà nghỉ quanh chân núi Sam, di chuyển chủ yếu bằng xe ôm hoặc xe lôi kéo. Thuận tiện nhất là thuê một chiếc xe máy của khách sạn hoặc của chính xe ôm, dù chất lượng xe ở đây theo nhận xét của nhiều người là khá tệ.
Lộ trình cụ thể
Ngày 1:
Sáng: Châu Đốc - Núi Sam - Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam - Lăng Thoại Ngọc Hầu.
Chiều: Chợ Châu Đốc - Cầu Cồn Tiên - Huyện An Phú - Búng Bình Thiên - Thánh đường Hồi giáo Mas Jid Khay Ri Yah.
Ngày 2
Sáng: Hồ Búng Bình Thiên - Quay về Châu Đốc - thị trấn Nhà Bàng - Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên.
Chiều: Rừng tràm Trà Sư - Thị trấn Tri Tôn.
Ngày 3
Sáng: Tri Tôn - Núi Cấm - Nhà mồ Ba Chúc.
Chiều: Chùa Xvayton - Hồ Tà Pạ (núi Tà Pạ) - Núi Cô Tô - Hồ Xoài So.
(Theo Em đẹp)