Gần 8 giờ tối hôm qua 31/12, anh Đ. đặt xe 2 bánh từ nhà ở Tân Phú (TP.HCM) ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1). Dù ở quận vùng ven nhưng do người dân bắt đầu đổ ra đường đón năm mới nên những nút giao bắt đầu kẹt xe. 

{keywords}
Người dân bắt đầu đổ xô về khu vực trung tâm Sài Gòn từ 8 giờ tối 31/12, nhu cầu đặt xe công nghệ tăng rất cao. (Ảnh: Hải Đăng)

Kể từ lúc nhận cuốc, tài xế phải mất gần 20 phút mới tới đón. Ứng dụng gọi xe phải tặng vào tài khoản anh Đ. 20 ngàn đồng với lý do lái xe đón trễ.

Tài xế Huỳnh Phước H. cho biết các ngả đường chính đều đã kẹt xe. Trước đó anh mất gần 15 phút để đi đoạn đường hơn 3 cây số đến đón khách nhưng tới nơi thì khách huỷ chuyến.

“Đêm nay nhu cầu cao, lẽ ra là lúc tài xế kiếm thêm nhưng vì kẹt xe nên đôi khi khách không chờ được, thường huỷ chuyến”, anh H. nói.

Bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối, các ứng dụng Grab, Be, Gojek đều tăng giá nhẹ, trong đó giá của Be tăng cao nhất.

Từ khoảng 8 giờ tối, phố đi bộ Nguyễn Huệ đã chật cứng người. Rất nhiều bạn trẻ tập trung tại đây để xem pháo hoa, nghe nhạc, ăn uống chào đón năm mới. Một số ngả đường chung quanh bị cấm xe đề phòng tắc nghẽn giao thông. Rất nhiều người ngại di chuyển vào hướng này để không bị ùn ứ.

Vào khoảng 9 giờ tối, chị Trang đặt xe từ Bình Thạnh về hướng phố đi bộ Nguyễn Huệ, có tài xế nhận cuốc nhưng sau đó huỷ chuyến. “Có lẽ tài xế sợ đi về hướng trung tâm sẽ bị kẹt xe, hoặc do chuyến xe cũng ngắn”, chị Trang cho biết. Từ thời điểm đó, việc đặt xe cực kỳ khó khăn ở nhiều nơi. Giá xe 4 chỗ liên tục tăng giá.

Tài xế H. cho biết sẽ chạy đến khoảng hơn 9 giờ sẽ tắt ứng dụng về nghỉ, vì không muốn đi vào khu vực kẹt xe.

Tài xế Trần Phúc K. rước khách từ khu vực xem pháo hoa cho biết đã phải chen vào đường Huỳnh Thúc Kháng để đứng chờ, vị khách cũng mất gần 15 phút để đi ra điểm đón.

“Cũng may giá đêm nay tăng, khách thi thoảng có boa thêm chứ không cũng không muốn chen vào mấy chỗ này”, anh K. nói.

Sau khi màn bắn pháo hoa kết thúc, người dân bắt đầu ra về. Kể từ khoảng 0 giờ 30 đến hơn 1 giờ, việc đặt xe gần như phụ thuộc may mắn. Chị Na (Quận 2), đặt xe từ Nguyễn Huệ về nhà vào khoảng 1 giờ sáng, hầu như cả 3 ứng dụng gọi xe lớn đều không có tài xế, đặc biệt hiếm xe 4 chỗ.

Đến khoảng hơn 2 giờ sáng ngày 1/1, việc đặt xe bắt đầu dễ hơn. Một số xe ôm công nghệ thậm chí tự tiếp cận khách, tự thoả thuận giá. “Bắt xe giờ này làm gì có anh ơi, lên xe em chở luôn”, một lái xe nói. Tuy nhiên trên thực tế từ khoảng hơn 2 giờ sáng, đám đông ở khu vực trung tâm đã giãn ra, việc đặt xe 2 bánh đã dễ hơn. 

Kể từ khi có xe công nghệ, trong các dịp lễ hội, người dân bắt đầu tích cực sử dụng phương tiện này vì nhiều lý do. Một số người không muốn tự mình chạy xe để không phải chen lấn. Một số người tiệc tùng, dùng thức uống có cồn nên đi xe công nghệ cho an toàn. Việc này khiến nhu cầu gọi xe tăng lên, cả xe taxi truyền thống lẫn xe công nghệ đều trong tình trạng quá tải.

Hải Đăng

Tăng thuế GTGT với tất cả dịch vụ xe công nghệ hai bánh, giao hàng

Tăng thuế GTGT với tất cả dịch vụ xe công nghệ hai bánh, giao hàng

Các ứng dụng gọi xe sẽ phải kê khai và nộp 10% thuế giá trị gia tăng. Quy định này áp dụng với cả các dịch vụ xe hai bánh như xe ôm, giao hàng, giao đồ ăn….