Misfit Wearables ra đời năm 2011, do doanh nhân gốc Việt Sonny Vũ, John Sculley - cựu CEO của Apple và Pepsi và Sridhar Iyengar - cựu CTO (giám đốc kỹ thuật) của AgaMatrix đồng sáng lập.
CEO Go-Viet, Lê Diệp Kiều Trang (vợ của Sonny Vũ) từng đảm nhiệm vị trí COO (giám đốc vận hành) và CFO (giám đốc tài chính) của công ty chuyên về thiết bị đeo thông minh này.
Từ crowdfunding đến thương vụ 260 triệu USD
Năm 2012, Misfit quyết định triển khai chiến dịch gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cho Shine - thiết bị thông minh đeo trên người để theo dõi, đo đạc các chỉ số sức khỏe. Ban đầu, đội ngũ của Misfit chọn Kickstarter để thực hiện kế hoạch, tuy nhiên sau 8 ngày gửi hồ sơ đăng ký, công ty vẫn không nhận được phản hồi từ nền tảng này.
“Chúng tôi quyết định chọn Indiegogo thay thế. Ngay sáng hôm sau, Misfit cũng nhận được thư từ chối của Kickstarter – nói rằng họ không thể cho bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến sức khỏe và tập luyện trên trang của mình”, Wired dẫn lời chia sẻ của Sonny Vũ.
Dù tại thời điểm đó, Indiegogo không nổi tiếng như hiện nay, nhưng chỉ sau 10 giờ đăng tải, dự án đã đạt được con số mục tiêu đề ra là 100.000 USD. Kết thúc thời gian, Misfit Shine thu hút được nguồn vốn lên đến 846.000 USD với gần 8.000 người tham gia tài trợ.
Misfit là ví dụ điển hình về startup gặt hái nhiều thành công nhờ gọi vốn cộng đồng. Ảnh chụp màn hình.
Trong một lần trả lời phỏng vấn tại Đại học Seattle Pacific (Mỹ), Sonny Vũ tiết lộ rằng đội ngũ của ông đã chi đến 20.000 USD cho video giới thiệu về sản phẩm trên Indiegogo. Theo cựu CEO Misfit, đó là một trong những khoản đầu tư khôn ngoan nhất mà họ từng thực hiện, vì video này sau đó được lan truyền và thúc đẩy sự phát triển của công ty.
Với sự thành công của chiến dịch crowdfunding, Misfit thu hút được nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới, công ty huy động được 7,6 triệu USD ngay từ vòng gọi vốn Series A.
Đầu năm 2013, Shine chính thức ra mắt người tiêu dùng với giá bán 79 USD. Chỉ trong ít tháng, hàng trăm nghìn sản phẩm được bán ra trên hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với sự thành công này, công ty huy động được 15,2 triệu USD từ các nhà đầu tư trong vòng gọi vốn Series B. Tháng 10/2014, Misfit tiếp tục đón nhận khoản đầu tư 40 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C từ Xiaomi, JD.com, GGV Capital, Shunwei, và các nhà đầu tư đã góp vốn trước đó như: Horizons Ventures, Khosla Ventures, Founders Fund và Northwest Venture Partners.
Tính chung, qua 4 năm xây dựng và phát triển, Misfit gọi thành công 3 vòng tài trợ vốn với giá trị gần 63 triệu USD. Năm 2015, startup này bán lại cho Tập đoàn đồng hồ Fossil của Mỹ với giá 260 triệu USD.
Tại sao đã có nhà đầu tư, Misfit vẫn gọi vốn cộng đồng?
Nhiều người nghĩ rằng gọi vốn cộng đồng chỉ dành cho các startup thiếu tiền và không có khả năng vay ngân hàng để thực hiện dự án. Với trường hợp của Misfit, khi phát triển Shine, công ty đã có nhà đầu tư.
Dưới góc độ tài chính, startup của vợ chồng Sonny Vũ hoàn toàn có thể ra mắt sản phẩm mà không cần gọi vốn cộng đồng. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tốt để công ty khảo sát và nghiên cứu thị trường.
Chia sẻ trong một chương trình diễn ra gần đây tại Hà Nội do Startup Grind tổ chức, Lê Diệp Kiều Trang cho biết lúc triển khai chương trình crowdfunding trên Indiegogo, bà và đội ngũ không ngờ chiến dịch sẽ thành công như vậy.
“Lúc đầu chúng tôi chỉ nghĩ đây là một sản phẩm có thể làm được, nhưng nếu đặt câu hỏi ‘Nó có phải sản phẩm hay nhất không?’ thì câu trả lời là ‘Không’. Khi đó, công ty đang theo đuổi những sản phẩm khác hay hơn. Nhờ crowdfunding, chúng tôi nhận ra thị trường sẽ đón nhận sản phẩm dù ý tưởng không phải ‘crazy’ lắm”, cựu COO Misfit kể.
Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang, 2 người đồng sáng lập Misfit. Ảnh: FBNV.
Nhìn ra cơ hội thị trường, Misfit quyết định phát triển sản phẩm để có nguồn thu. Bà Trang cho biết chính nguồn thu này cũng giúp công ty xây dựng được đội ngũ với công việc cụ thể trong khi đầu tư cho những dự án xa hơn.
Lợi ích thứ 2 của crowdfunding, theo bà Trang, đó là cơ hội quý giá giúp startup quảng cáo thương hiệu và sản phẩm của công ty. “Khi Misfit thành công trong việc gọi vốn cộng đồng, chúng tôi thử gõ cửa Apple cũng như BestBuy và được họ đón nhận nồng nhiệt”, nữ doanh nhân chia sẻ.
Ngoài ra, crowdfunding cũng giúp bài toán dự đoán về nhu cầu sản phẩm bớt hóc búa hơn với những người làm tài chính như Lê Diệp Kiều Trang.
“Tại thời điểm đó, khi phát triển sản phẩm tại Hàn Quốc, chúng tôi biết trong đơn đặt hàng của mình sẽ có ít nhất 20.000-30.000 sản phẩm. Nó giúp chúng tôi yên tâm hơn trong việc tính cashflow (dòng tiền)”.
Với vai trò COO và CFO của Misfit, bà Trang hiểu rằng việc dự đoán số lượng sản phẩm có thể bán được rất quan trọng.
“Nếu sản xuất nhiều nhưng không bán được, tiền vốn sẽ ‘chôn’ trong hàng và công ty không thể làm được những việc khác. Nhưng nếu không mạnh dạn đầu tư, không đủ hàng bán sẽ mất cơ hội vào các hệ thống bán lẻ lớn như BestBuy hay Apple Stores”, bà Trang nói.
Theo Linh Lam/ NDH