- Ông từng hai lần ra Trường Sa, một chuyến đi bằng tàu kéo dài 12 ngày đêm, một chuyến bằng trực thăng đến các điểm đảo đầy ắp kỷ niệm.

Có thâm niên cầm máy ảnh mấy chục năm như đam mê của bao người nhưng Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son nói rằng, những bức ảnh về các đảo, cuộc sống của quân và dân ở Trường Sa trong kho tư liệu của mình nhiều cảm xúc nhất, đáng nhớ nhất so với những bức ảnh ông ghi lại ở bất cứ nơi nào.

{keywords}
{keywords}
{keywords}
Những bức ảnh chụp ở Trường Sa của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Những khung ảnh các đảo Trường Sa Đông, An Bang, Nam Yết, Trường Sa Lớn chụp từ trên cao trong triển lãm bản "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" đang trưng bày tại bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tại TP.HCM) gắn liền với một chuyến ra Trường Sa của ông.

Bộ trưởng từng hai lần ra Trường Sa, một chuyến đi bằng tàu kéo dài 12 ngày đêm, một chuyến bằng trực thăng đến các điểm đảo đầy ắp kỷ niệm.

"Lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt vùng biển, đảo chủ quyền của Tổ quốc cảm xúc rất thiêng liêng, xúc động và tự hào về thế hệ cha ông đã vượt qua muôn trùng khó khăn nơi biển khơi để xác lập, đánh dấu chủ quyền của ta đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa từ 400 năm nay", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ.

Mắt nhìn là tay bấm máy, Bộ trưởng nói rằng, sẽ không một ai chế ngự được cảm xúc phải giữ lại ngay hình ảnh các đảo hiện ra sống động trước mắt như ý chí mãnh liệt phải ghi lại cương vực chủ quyền của đất nước như bằng chứng chủ quyền rõ ràng.

{keywords}
{keywords}

Vượt trên cả những khoảnh khắc giữ lại trong khuôn hình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ rằng, bất cứ ai có may mắn đến với đảo xa sẽ cảm nhận rõ tinh thần quả cảm, thành quả trong quá trình bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc của ta. 

Tinh thần ấy không chỉ hiện diện trong những nỗ lực gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo những điểm đảo do ông cha ta xác lập chủ quyền và để lại cho đời sau.

"Nếu bạn đến với Trường Sa, bạn sẽ cảm nhận một sức sống ngày càng mãnh liệt, thấy rõ được sự chi viện của hậu phương đất liền ngày ngày dành cho nơi đảo xa. Nó thể hiện ở những công trình khang trang, đời sống nhân dân trên vùng đảo ngày càng phát triển. 

Những điều đó cho chúng ta thêm niềm tin mạnh mẽ về tiềm lực, điều kiện vững chắc bảo vệ biển, đảo chủ quyền của Tổ quốc", Bộ trưởng chia sẻ.

"Hẳn ông cũng đã giữ lại sức sống, tinh thần đó trong những khuôn hình?", Bộ trưởng khẳng định ngay trước câu hỏi đó là điều chắc chắn, với bất cứ ai đến với Trường Sa, không chỉ riêng ông.

{keywords}

Những khung ảnh treo tại triển lãm chỉ là một phần trong kho ảnh tư liệu của mình, bởi ông tin, rất nhiều người giờ đây có điều kiện ra thăm Trường Sa đều giữ lại những khoảnh khắc nơi đảo xa ấy trong những khuôn hình mang cảm xúc của mình. Mỗi bức hình gộp lại sẽ góp phần cộng hưởng về sức mạnh lớn gìn giữ vùng biển, đảo chủ quyền.

"Khi ra Trường Sa, có những điểm đảo cách đất liền trên dưới 500 cây số. Sống giữa điều kiện khó khăn khắc nghiệt là vậy nhưng tôi ấn tượng bởi những nụ cười của cán bộ, chiến sĩ, quân dân nơi đảo xa. Nụ cười khiến tôi tin tưởng họ luôn vì trách nhiệm cao nhất sẵn sàng bảo vệ thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc.

Nụ cười của họ truyền cho chúng ta niềm tin. Với nụ cười ấy ở Trường Sa, trong sâu thẳm, tôi luôn tin tưởng vào sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam", Bộ trưởng nói.

Sự trở lại đầy ký ức

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trở lại với Quân khu 7 lần này với nhiều cảm xúc.

Nói trước các cán bộ, chiến sĩ của Quân khu, Bộ trưởng nhắc lại thời mình từng là quân nhân, làm việc cho nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh thời ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7.

{keywords}
{keywords}

Trong bộ bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" có một bức hình đặc biệt mà nguồn tư liệu gốc là do ông cung cấp. 

Đó là bức ảnh Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân được chụp tại đảo Trường Sa Lớn ngày 7/5/1988.

Kèm theo bức hình là nguyên văn bài phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh.

Trong đó, Đại tướng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ, bất cứ ai đến Trường Sa, cầm máy chụp nhiều góc độ, thời gian khác nhau nhưng đều chung một ý chí góp phần để tuyên truyền sâu rộng qua những khoảnh khắc về thành quả bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của đất nước.

Xuân Linh - Ảnh: Đinh Tuấn