Công nghiệp CNTT vẫn phát triển trên đà tăng trưởng doanh thu ổn định

Từ nhiều năm trở lại đây, công nghiệp CNTT đã trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn với mức tăng trưởng ấn tượng so với nhiều ngành của nền kinh tế. Chỉ tính chung xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ CNTT đã chiếm tới 30% tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2016, ngành CNTT đem về doanh thu 67,7 tỷ USD, đang thu hút trên 24.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp cho tới trên 34.000 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho trên 700.000 người lao động.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2016 tổng giá trị xuất khẩu của đạt trên 60 tỷ USD trong đó xuất khẩu phần cứng điện tử chiếm trên 95% với 60% sản lượng thuộc về điện thoại di động giúp Việt Nam xuất siêu gần 20 tỷ USD trong lĩnh vực CNTT. Trong số các sản phẩm CNTT, đã có 2 nhóm sản phẩm là điện thoại và máy tính trong nhiều năm trở lại đây luôn luôn có tên trong 10 nhóm mặt hàng hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tương ứng đạt gần 35 tỷ USD và 19 tỷ USD năm 2016.

Sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt đang ở đâu trong cơ cấu doanh thu toàn ngành CNTT?

Mặc dù doanh thu và giá trị xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ CNTT cao song giá trị gia tăng mà ngành đem lại cho đất nước còn ở mức khiêm tốn và chủ yếu doanh thu đóng góp vẫn phụ thuộc phần lớn từ các doanh nghiệp FDI.

Trong lĩnh vực phần cứng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 99% doanh thu xuất khẩu cứng, điện tử và 95% doanh thu sản xuất sản phẩm phần cứng, điện tử đều đến từ các doanh nghiệp FDI trong khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này chỉ chiếm trên 20% tổng số doanh nghiệp phần cứng. Trong khi đó, với số lượng chỉ chiếm 80% nhưng doanh thu lĩnh vực phần cứng, điện tử đem lại chỉ vẻn vẹn 5% trên tổng giá trị toàn ngành và 1% giá trị xuất khẩu. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp FDI như Samsung, LG, Intel đã chiếm tới 60% doanh thu toàn ngành còn lại thuộc về các doanh nghiệp FDI khác và các doanh nghiệp nội. Ngoài ra, xét về thị tiêu dùng các sản phẩm phần cứng, điện tử phần lớn người tiêu dùng hướng về các sản phẩm CNTT ngoại. Theo IDC Việt Nam, hơn 14 triệu chiếc smartphone đã được bán tại Việt Nam vào năm 2016 trong đó Samsung đứng đầu về số lượng, với thị phần 28%, tiếp theo là OPPO với 25% sau đó là Apple với 7%. Trong khi xét về thị trường tiêu thụ điện thoại nội địa thì hầu hết ở mức độ rất khiêm tốn khi doanh thu từ FPT, VNPT, Bphone,… về phân khúc này hầu như không phải là đối thủ cạnh tranh về các điện thoại thông minh phổ thông.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Sự đóng góp của các doanh thu doanh nghiệp CNTT nội vẫn chiếm doanh thu áp đảo so với các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh.

Về lĩnh vực phần mềm, theo số liệu báo cáo của các địa phương và Tổng cục Thống kê, với trên 7.400 doanh thu phần mềm thì doanh thu từ sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam đã chiếm tới trên 60% doanh thu và 70% giá trị xuất khẩu. Chỉ tính riêng FPT đã đóng góp tới 30% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm của các doanh nghiệp nội địa từ thị trường nước ngoài trong đó thị trường Nhật Bản chiếm 45%, 27% đến từ Mỹ và còn lại là từ các quốc gia khác. Nhiều doanh nghiệp Việt khác như Vietsoftware, Misa, Tường Minh,…cũng đang có doanh số tăng trưởng ấn tượng từ 10-40%/năm từ thị trường xuất khẩu và đang hướng tới nhiều thị trường mới khác ngoài các thị trường truyền thống nêu trên. Trong khi đó, mặc dù chỉ chiếm 11% số lượng doanh nghiệp phần mềm tại Việt Nam, sản phẩm phần mềm của các doanh nghiệp này cũng chiếm tới 40% doanh thu toàn ngành phần mềm. Lĩnh vực này này đang hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát triển với do nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước và ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tiếp tục mở rộng thị trường tới Việt Nam.

Ở phân khúc tiêu dùng các sản phẩm nội dung số, do các quy định về việc phê duyệt về kịch bản và kiểm duyệt nội dung, tỷ lệ sản xuất và sử dụng sản phẩm và dịch vụ nội dung số thuần Việt chiếm tới 95% doanh thu đến từ 97% doanh nghiệp Việt Nam. Hai mảng đem về doanh thu cho thị trường nội dung số Việt Nam là trò chơi trực tuyến và nội dung số trên di động. Với doanh nghiệp chủ lực là VNG, các sản phẩm nội dung số Việt Nam đã được xuất đi một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc với tổng doanh thu trên 300 triệu xếp thứ 28 trên tổng số 100 quốc gia đứng đầu về doanh thu games trên toàn cầu theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Newzoo. Trong khi đó, đứng trước sự bùng nổ của thị trường tiêu thụ CNTT, các doanh nghiệp viễn thông đã bắt đầu chuyển hướng đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nội dung số trên di động thay vì tập trung vào các dịch vụ viễn thông truyền thông. Ước tính, doanh thu từ các dịch vụ này chiếm khoảng 30% tổng doanh thu đạt được.

Thị trường dịch vụ CNTT với gần 10.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động và điều đáng mừng là 90% trong số doanh nghiệp này là các doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 70% doanh thu. Xu hướng chuyển hướng từ sản phẩm sang dịch vụ CNTT với các công nghệ mới như điện toán đám mây, ảo hóa, dữ liệu đã thu hút được nhiều sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài như HP, IBM, Cisco,… Theo xu hướng này, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam như Viettel, VNPT cũng đã đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước trong khi Mobifone đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các phần mềm và giải pháp CNTT và trên nền CNTT cho một số doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Thúc đẩy tiêu dùng cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT thuần Việt

Để thúc đẩy thị trường tiêu dùng CNTT trong nước, đã có một số chính sách thúc đẩy như Thông tư số 47/2016/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành danh mục các sản phẩm, dịch vụ CNTT ưu tiên mua sắm trong hoạt động cơ quan nhà nước và sự mở của của thị trường nhà nước nhờ Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thuê dịch vụ CNTT.

Hàng năm, hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn, triển lãm kết nối cung cầu giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp CNTT, đồng thời phát hành ấn phẩm Danh mục sản phẩm sản phẩm dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thường niên nhằm quảng bá về sự đa dạng và chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam. Từ đó, hỗ trợ và định hướng các dự án đầu tư mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước, đặc biệt là các dự án đầu tư mua sắm bằng ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước.

Trong năm, nhiều hội thảo, triển lãm chuyên đề về CNTT cũng đã được các hiệp hội CNTT-TT cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp tổ chức trên cả nước giúp đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước. Bên cạnh đó, việc nắm bắt xu hướng công nghệ từ cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới cũng sẽ là đòn bẩy ra đời các start-up nhằm tạo ra các sản phẩm và giải pháp CNTT thuần Việt sáng tạo.

Đây là sẽ cơ hội tốt để góp phần tạo cú hích thúc đẩy việc tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước, giúp sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt ngày càng khẳng định được vị trí trong danh mục tiêu dùng của các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.