Mua sắm trực tuyến hay nói cách khác là đi chợ online, không còn là chuyện xa lạ đối với nhiều người. Đặc biệt, trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua, người dân ngại đến nơi đông người nên hình thức bán hàng online càng lên ngôi. Thế nhưng, xung quanh việc đi chợ online tiện lợi cũng nhiều, song cũng không ít “thượng đế” phải ngậm bồ hòn làm ngọt...
Nên mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng |
Thuận tiện đầu tiên của việc đi chợ online, mà ai cũng thấy đó là tiết kiệm thời gian. Đối với những người bận rộn, quỹ thời gian hạn hẹp thì mua sắm trực tuyến quả là phương án tối ưu. Thay vì vất vả cất công đến các chợ, siêu thị hay trung tâm thương mại, các bà, các cô chỉ cần ngồi ở nhà lướt web và đặt hàng.
Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, dù giữa trưa hay lúc đêm khuya, chỉ cần “click chuột”, người tiêu dùng vẫn có thể đi chợ mà không phải bước chân ra khỏi nhà. Đặc biệt, ở thời điểm Covid-19 bùng phát trở lại như ở Đà Nẵng và một số địa phương khác trong cả nước, nếu ngại chỗ đông người, không phải bất an thì đi chợ online quả là phương án hợp lý. Chưa kể, nếu trực tiếp đi chợ việc nhiều chị em thường lúng túng bởi giá cả mỗi nơi mỗi khác, hoặc giá... trên trời không biết đường nào mà lần. Còn khi đi chợ online giá cả được niêm yết rõ ràng từng mặt hàng, không phải đi đến từng nơi để xem, so sánh mới biết được.
Bà Vũ Thanh Vân, trú quận Sơn Trà (Đà Nẵng) chia sẻ, trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát như vừa qua, thay vì trực tiếp đi chợ, tôi chuyển sang đặt hàng online cho tiện và đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân mình cũng như cả gia đình...
Rõ ràng mua sắm trực tuyến đang là xu hướng của người tiêu dùng. Thế nhưng, bên cạnh nhiều tiện ích thì nhiều “thượng đế”, cũng đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt do đi chợ online. Chuyện hàng rởm, hàng kém chất lượng “treo đầu dê bán thịt chó” vẫn luôn xảy ra như cơm bữa trên chợ online. Và ai cũng thể trở thành nạn nhân chỉ với một cú “click chuột”. Người viết từng có một anh bạn đã phải dở khóc, dở cười với mua hàng trên mạng.
Theo đó, người này đặt mua một chiếc đồng hồ trên fanpage “Đồng hồ Fashion”, có địa chỉ bán hàng ở TP. Hồ Chí Minh, với một mức giá không hề “nhẹ nhàng”. Thế nhưng, đến khi nhận hàng anh mới tá hỏa bởi đây là một chiếc đồng hồ nhìn qua là biết... đồ chơi trẻ em với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Không những mất tiền, người mua còn mua luôn sự bực tức vào người. Bởi, khi liên hệ tại nơi bán hàng thì không nhận được thông tin hồi âm.
Cũng mua phải “quả đắng” khi đi chợ trên mạng còn có chị Chu Thị Tuyết Vy ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), theo lời kể của chị Vy, thì mới đây chị có đặt mua 2 bình xịt nhà vệ sinh, nhà tắm cao cấp trên một trang bán hàng online với giá gần 350 nghìn đồng. Sản phẩm này được người bán quảng cáo là “hàng xịn”, với công nghệ bọt tuyết nano thế hệ mới giúp đánh bay những vết bẩn lâu ngày. Chuyển khoản rồi nhận hàng, thế nhưng khi sử dụng nạn nhân mới biết mình mua phải hàng nhái. Bởi, sản phẩm không có những tác dụng như quảng cáo, khi tẩy rửa nhà vệ sinh các vết bẩn vẫn trơ trơ không hề được tẩy sạch.
Bực mình, chị Vy tuyên bố “cạch” sẽ không đi chợ online thêm lần nào nữa... Không riêng anh bạn của người viết hay chị Tuyết Vy, hàng ngày, hàng giờ vẫn có rất nhiều người chịu cảnh tiền thật mua hàng giả khi đi chợ online. Đủ kiểu lừa gạt trên mạng, có người mua phải hàng rởm, hàng nhái. Hàng được giới thiệu của châu Âu hay châu Mỹ nhưng thực tế lại có xuất xứ ở Trung Quốc, hoặc bên hông chợ Lớn. Thậm chí, đau xót hơn có người đặt hàng đã chuyển tiền xong, người bán lại... mất hút. Tiền thì đã chuyển đặt cọc trước, song hàng thì không biết bao giờ được nhận.
Trên thực tế trong bối cảnh nhà nhà bán hàng online như hiện nay, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên mạng luôn là bài toán khó với các cơ quan chức năng. Tốt hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào người bán, tùy thuộc vào đạo đức kinh doanh của họ. Hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng đang xảy ra và ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương.
Hình thức để lừa đảo cũng ngày càng tinh vi hơn. Nhiều đối tượng khi bán hàng trực tuyến thường giao hàng với số lượng nhỏ lẻ; bán hàng qua khâu trung gian; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, đặc biệt thường yêu cầu khách đặt cọc, dụ dỗ khách thanh toán với số tiền lớn, rồi sau đó mới chuyển hàng. Đến lúc này, hàng xấu, hàng tốt khách tự chịu. Chưa nói đến chuyện không đăng ký kinh doanh, nhiều nơi bán hàng không đăng tải địa chỉ rõ ràng, nguyên liệu sản xuất không nguồn gốc xuất xứ, không an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trong khi đó, về phần các “thượng đế” khi đi chợ online vẫn thường có tâm lý thích đồ rẻ. Lợi dụng điều này, người bán không ngại tung ra các chiêu trò giảm giá kèm khuyến mãi thêm sản phẩm, để hút “con mồi”.
Đặc biệt, khi mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng trên mạng đại đa số người tiêu dùng đều xử lý bằng cách không tiếp tục mua hàng nữa thay vì báo với cơ quan chức năng như trường hợp của chị Tuyết Vy. Chưa kể, hầu hết các khách hàng mua sắm online phần lớn không chú ý việc lấy hóa đơn, sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến đa dạng. Điều này, càng gây khó khăn cho việc quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng... Được vạ thì má đã sưng, trước khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần biết cách tự bảo vệ mình khi đi chợ online.
Theo đó, các “thượng đế” nên mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận hóa đơn. Đồng thời, cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội thường xuyên quảng cáo sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn...
Luật sư Nguyễn Tấn Phước - Đoàn Luật sư Đà Nẵng: Theo Bộ Luật hình sự hiện hành thì tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định chi tiết từ điều 192 - 195, bao gồm các khung hình phạt cụ thể. Trong đó, nếu người nào sản xuất, buôn bán hàng giả các mặt hàng là lương thực, thực phẩm và phụ gia thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm và nếu là thuốc chữa bệnh và phòng bệnh thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm... Đối với các nhóm hàng khác thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm nếu giá trị tương đương từ 30 đến 150 triệu đồng, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính... Đặc biệt, nếu hành vi này có tổ chức chuyên nghiệp, hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn, danh nghĩa của tổ chức thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm, riêng mặt hàng thuốc chữa bệnh từ 5 đến 12 năm. Thậm chí, người phạm tội có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... |
Theo Thời báo Ngân hàng