Bén duyên từ một câu nói vu vơ
Hơn 4 năm làm nhân viên kinh doanh đất mộ cho một công viên nghĩa trang ở Thái Nguyên, chị Hồ Thị Tuyết Nhung (SN 1976, Hà Nội) chứng kiến nhiều câu chuyện cuộc sống. Có những cuộc đời, hoàn cảnh khiến chị phải xúc động, rơi nước mắt.
Năm 2019, chị Nhung được một người bạn làm ở khu nghĩa trang chia sẻ về công việc bán đất mộ và bảo chị biết ai có nhu cầu thì giới thiệu. Chỉ một câu nói vu vơ ấy đã kết nối chị Nhung với công việc này hơn 4 năm qua.
Ban đầu chị cũng “rón rén” thử hỏi người này, người kia xem ai có nhu cầu mua đất mộ cho tổ tiên, ông bà... Nhưng cảm giác lúc ấy “hơi ngại ngại” vì theo chị, “động đến chuyện đất mộ là lại nhắc đến chuyện chết chóc, nhiều người không thích”.
“Không hiểu gieo duyên thế nào mình thử một lần và rồi lại muốn tiếp tục làm công việc này. Đây không phải công việc nhiều người chọn và dễ đón nhận nên mình cho rằng đó là duyên nợ của mình. Từ đó, mình bắt tay vào việc, trở thành nhân viên kinh doanh về mảng ‘đất âm’”, chị Nhung chia sẻ.
Chị kể, thời gian đầu, khó khăn chồng chất vì không biết tìm khách hàng ở đâu: “Mình làm nghề này không thể công khai đến nhà, gọi điện chào mời người ta được. Vì phải là người thực sự có nhu cầu thì họ mới tìm đến mình. Mình mời mọc có khi còn bị mắng. Lúc ấy, đội marketing bên mình chưa có nên việc quảng cáo không được như những mảng kinh doanh khác”.
Vậy là chị và các đồng nghiệp lên ý tưởng, mời các đoàn, gồm chủ yếu là các cụ già đến tham quan khu công viên nghĩa trang như một hình thức du lịch.
“Nhiều người sẽ nghĩ lên nghĩa trang thì tham quan cái gì nhưng không phải… Môi trường này giống như ‘công viên’ vậy. Cây cối xanh tốt, không khí yên bình gần giống đi chùa nên các cụ rất thích. Những đoàn khách của mình chủ yếu là các cụ già, người lớn tuổi muốn lên thăm thú và tìm hiểu”, chị cho biết.
Người ta gọi là “công viên nghĩa trang” bởi ban ngày, không khí ở đây khá nhộn nhịp. Trong công viên thường có rất nhiều người thay phiên nhau túc trực, trông coi, dọn dẹp và xây dựng, cây cối xanh tốt. Ngoài ra, công viên còn có khu thờ phụng ở ngay cổng, mỗi người lên đây đều vào thắp hương cầu khấn. Mọi người ra vào tấp nập, không hề đìu hiu nên nhiều người đến không có cảm giác sợ.
Mỗi năm, bộ phận kinh doanh nơi chị Nhung làm việc sẽ tổ chức nhiều đoàn đi tham quan như vậy để kết nối mọi người. Nhiều cụ già, con cháu của các cụ cũng từ những chuyến đi ấy thực sự có nhu cầu muốn mua đất cho dòng họ, tổ tiên…
So với các công việc khác, kinh doanh đất mộ có phần “tế nhị” khi công khai bán trên trang cá nhân. Sau một thời gian, chị Nhung bắt đầu đưa lên Facebook, Zalo những bài viết về công việc của mình. Nhưng chị chỉ chọn đúng khung 9h sáng để đăng và chỉ đăng 1 lần duy nhất trong ngày.
“Mình đăng nhiều sẽ gây phản cảm. Vả lại khách hàng hay bạn bè cũng không có nhu cầu nhìn một trang cá nhân của người bạn đăng về đất mộ mấy lần trong ngày. Nó sẽ khiến một ngày mới phủ đầy hình ảnh u ám, không hay lắm. Vậy nên mình nghĩ một ngày một lần là đủ để người ta biết đến công việc của mình”, chị nói.
Lúc đầu, khi đi gặp bạn bè, chị cũng ngại nói về chuyện công việc của mình vì sợ người khác không thích. Nhưng đam mê nghề nghiệp ngấm vào máu. Chị nghĩ chẳng có gì phải ái ngại về một công việc chân chính. Đó cũng là một nghề, như bao công việc khác. Kiếm tiền bằng mồ hôi, nước mắt thì có gì phải ngại.
Khi đã quen dần, chị Nhung cảm thấy ngày càng yêu và gắn bó với công việc bán đất mộ nhiều hơn. Chị không còn ngại mỗi lần nói về chuyện mình là “Nhung bán đất mộ” khi gặp gỡ bạn bè. Mọi người cũng rất hào hứng nghe câu chuyện chị kể. Trước khi ra về, chị không quên nắm tay nhắn nhủ “nếu ai có nhu cầu thì giới thiệu cho mình nhé”. Ai nấy đều hồ hởi, vui vẻ “nhất định rồi”.
Vui buồn nghề kinh doanh 'đất âm'
Chị Nhung cho biết, đa số khách hàng của chị là những người có điều kiện kinh tế bởi giá cả một lô đất không hề rẻ. Ở công viên nơi chị Nhung làm việc thường chia thành loại một lô đơn hoặc cả khuôn viên gồm 14-17 lô đơn. Tùy theo vị trí, hướng, mỗi lô, mỗi khuôn viên sẽ có giá khác nhau.
Theo chị, những người ở Thái Nguyên chủ yếu mua lô đơn một mộ vì nhà gần. Lô đơn có giá dao động từ 40-80 triệu đồng tùy theo vị trí. Các khu khuôn viên bao gồm 14-17 lô đơn có giá cao nhất khoảng hơn 1 tỷ đồng, rẻ nhất tầm 300-400 triệu. Khách ở Hà Nội, ở xa chủ yếu mua loại này để phòng thân hoặc dành cho cả gia tộc, họ hàng.
Nhiều khách đến gặp chị Nhung một lần, nghe chị giới thiệu về không gian và những dịch vụ chăm sóc, dọn dẹp khu mộ ở công viên là đặt cọc luôn. Mỗi ngày rằm, mùng 1, những người được thuê sẽ dọn dẹp sạch sẽ các ngôi mộ, thắp hương, cắm hoa… để người mua yên tâm. Những ngày này, nếu người nhà có nhu cầu làm cỗ, cúng bái, công viên cũng phục vụ.
Vị khách khiến chị nhớ nhất là một người đàn ông tầm 50 tuổi đến xem khuôn viên đất cho tổ tiên, ông bà… Vừa lên đến nơi, được chị giới thiệu một khuôn viên tầm 17 lô đơn, người này vội lấy điện thoại ra quay. Sau nửa tiếng, được gia đình đồng ý, ưng vị trí và môi trường, vị khách lập tức chuyển khoản đặt cọc cho chị Nhung.
Khi nghe vị khách nói về gia đình, chị Nhung rất xúc động. Lý do vị khách chốt mua đất nhanh vì bố anh đang rất yếu, mẹ bị ung thư. Gia đình cũng vừa bán một căn nhà lớn, có sẵn tiền nên muốn mua cả khuôn viên để họ hàng sau này được quy tụ về đây. Dù được đơn hàng lớn nhưng chị Nhung vẫn khá buồn khi nghe câu chuyện.
Có lẽ đó là phiên giao dịch nhanh nhất và cũng khá ấn tượng trong hơn 4 năm làm nghề của chị. Bởi thực tế, với giá đó, không phải ai cũng có thể xuống tiền mua nhanh chóng. Nhiều khách suy nghĩ cả năm chưa chốt được lô đơn. Nhưng không vì thế mà chị quên khách. Chị vẫn “chăm sóc” khách hàng, làm hết cái tâm của người kinh doanh, tư vấn nhiệt tình khi họ có nhu cầu.
Không giống như bán “đất dương”, nơi chị Nhung làm việc không có hình thức trả góp. Khách có nhu cầu sẽ đặt cọc luôn và thực hiện hoàn tất tiền trong vòng 7 ngày.
Nhiều năm trong nghề, chị Nhung đã có những tệp khách hàng quen. Nhiều người quý mến tính cách của chị, thường xuyên giới thiệu khách cho chị. Nhiều người vui vẻ gọi chị với cái tên “Nhung đất mộ” trong mỗi cuộc điện thoại.
Chị tâm niệm, dù là công việc gì, chỉ cần là việc mình yêu thích, tự hào và làm đúng lương tâm thì không có gì phải suy nghĩ.
Ảnh: NVCC