Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó, riêng tàu cá có chiều dài từ 15m có 30.091 chiếc.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng các địa phương đã xử phạt 2.111 vụ với số tiền là 44,47 tỷ đồng liên quan đến vi phạm khai thác IUU.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua các năm sau khi bị cảnh báo thẻ vàng.

Đến ngày 13/9, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016. Trong đó đã ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.

Xử lý vi phạm hành chính cũng là một trong 4 nhóm khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC) để Việt Nam gỡ được cảnh báo thẻ vàng IUU. Song, việc xử lý vi phạm hành chính tại nhiều tỉnh, thành phố ven biển nước ta chưa có sự đồng nhất, mức xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe.

W-cang-ca-1.jpg
Phải mạnh tay trong xử phạt hành chính.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, việc xử lý vi phạm hành chính không chỉ góp phần gỡ thẻ vàng IUU mà còn là động lực để phát triển ngành thủy sản. Thế nên, cần xử lý mạnh tay, xử phạt trên giá trị vi phạm.

Song, khi đi kiểm tra thực tế Trung tâm Thông tin nghề cá có 442 trường hợp tàu cá vi phạm mất kết nối, chúng ta mới xử phạt được 46 tàu, tức chỉ 10% số tàu vi phạm. Mức xử phạt này không đúng theo quy định của Nghị định 42 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các văn bản quy phạm pháp luật phải xây dựng phải thật chặt chẽ. Không cần nâng mức phạt và nâng lực lượng mà phải xử lý thật nghiêm, đúng đối tượng, đúng hành vi. Đó sẽ là giải pháp cơ bản để gỡ thẻ vàng IUU trong thời gian tới.

Cả chủ tàu và thuyền trưởng đều phải có cơ chế xử phạt, tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể cho từng trường hợp, ông nhấn mạnh thêm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ giao cho các tỉnh xem xét kiểm tra, đánh giá, xử lý đúng hành vi vi phạm theo quy định. 

“Phải làm nghiêm, quyết liệt trong xử phạt hành chính để EC thấy rằng chúng ta có tinh thần cầu thị, khẩn trương hành động. Xử phạt nghiêm cũng là cách để răn đe, giúp Việt Nam phát triển nghề cá bền vững”, Thứ trưởng nói thêm.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, gỡ thẻ vàng IUU không phải mục tiêu duy nhất mà phải giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học đại dương, biển của Việt Nam. Nếu gỡ được thẻ vàng nhưng tính bền vững không giữ được thì chúng ta cũng sẽ bị áp dụng thẻ khác.

Bộ trưởng Hoan nhắc lại câu nói của Cao ủy EU về môi trường, đại dương và nghề cá khi đề cập đến vấn đề chống khai thác IUU: "Các ông có thấy công bằng hay không khi người vi phạm và người không vi phạm được như nhau".

Ông so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam. Từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như giữa biển khơi đánh đắm tàu vi phạm quy định, chứ không chỉ phạt như nước ta. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, EC tin tưởng về quyết tâm của Việt Nam khi triển khai "Kế hoạch 180 ngày cao điểm chống khai thác IUU"; việc xây dựng Luật Thủy sản và nghị định thi hành Việt Nam đều tham khảo những góp ý từ EC. Song, EC không tin tưởng về việc thực thi ở cấp địa phương và nhấn mạnh đây là vấn đề khó khăn, nhất là với tỉnh ven biển nên phải phối hợp hành động.

"Ta hay nghĩ rằng người ta nghèo mà phạt nặng quá thì tội nghiệp người ta, nhưng chúng ta không biện minh cái nghèo với EU được. Họ cần chúng ta hành động", Bộ trưởng nói.

Ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển danh sách địa phương nào thường xuyên có tàu vi phạm tới Thủ tướng. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đã đến lúc phải xử lý nghiêm, nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi. 

Phạm Thiện và nhóm PV, BTV