1.jpg.jpg
Thủ tục hải quan điện tử là phương thức thông quan hiện đại mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

“Vật vã” hơn 1.000 giờ… nộp thuế

Năm 2009, Ngân hàng Thế giới đã công bố bảng xếp hạng chung về môi trường kinh doanh, Việt Nam bị tụt 2 bậc so với hai năm trước đó, từ 91/181 xuống 93/183. Theo ông Trần Nguyên Vũ – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), việc đánh giá của Ngân hàng Thế giới dựa trên 10 tiêu chí, trong đó có tiêu chí rất quan trọng là thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, đánh giá của Ngân hàng này cho thấy trung bình trong một năm doanh nghiệp Việt Nam phải dành tới 1.050 giờ làm việc cho các thủ tục về thuế và 32 lần nộp thuế các loại, trong khi trung bình các nước trong khu vực chỉ là 227 giờ.

Chính vì vậy, vấn đề cần nhanh chóng cải cách hành chính để tạo ra một môi trường thuận lợi, công khai và minh bạch nhất cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động kinh doanh chính là nhiệm vụ được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ với nhiệm vụ trong tâm đối với khối các Bộ ngành trong năm 2010 và những năm tiếp theo là đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai các dự án lớn cả về thể chế và công nghệ như Đề án 30 về cải cách hành chính, các đề án hiện đại hoá hệ thống kho bạc, thuế, hải quan.

Bộ Tài chính đã rà soát và tổng hợp được 840 thủ tục hành chính, trong đó ngành Thuế là 153, Hải quan là 197 thủ tục… nhằm xây dựng phương án rút gọn, giảm bớt các thủ tục không còn phù hợp; đồng thời ứng dụng CNTT để hiện đại hoá ngành, chuyển các dịch vụ tài chính sang môi trường điện tử khi thực thi thủ tục hải quan điện tử, nộp tờ khai thuế qua mạng.

Bên cạnh đó Bộ cũng đẩy mạnh hoạt động sử dụng xác thực điện tử trong cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu trong giao dịch nội bộ. Hiện nay hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đang được triển khai tại Bộ Tài chính nhằm phục vụ các giao dịch của ngành như phục vụ hệ thống trao đổi thông tin thu nộp thuế giữa bốn phân hệ là kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và cơ quan tài chính, quản lý thu nợ thuế, báo cáo giao dịch chứng khoán, tổng hợp báo cáo thanh tra.  

1.jpg.jpg
Ngành Tài chính đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao mức hấp dẫn trong môi trường kinh doanh.

Thách thức ứng dụng

Theo ông Trần Nguyên Vũ, hiện nay vấn đề ứng dụng CNTT để hiện đại hoá nghiệp vụ ngành tài chính, nâng cao tính “hấp dẫn” cho môi trường kinh doanh đang được triển khai theo 3 xu hướng.

Thứ nhất là xu hướng tập trung hóa, trong đó các ứng dụng trong ngành từng bước nâng cấp theo mô hình tập trung tại trung ương, từ đó người dùng cuối sẽ giao dịch nghiệp vụ online với cơ sở dữ liệu tập trung ở Trung ương. Thứ hai là liên kết chia sẻ thông tin, trong đó là sự liên kết trong ngành giữa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc và ngân sách để trao đổi thông tin về thu chi ngân sách, đồng thời liên kết với hệ thống ngân hàng bên ngoài để hợp lý hoá quy trình thu thuế qua ngân hàng. Ngoài ra, xu hướng thứ ba nhằm đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ tài chính công trực tuyến để mang lại sự tiện lợi, môi trường công khai minh bạch có các đối tượng liên quan.

Dự kiến từ nay đến năm 2015, ngành Tài chính sẽ có khoảng 96 dịch vụ tài chính công được cung cấp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp qua mạng Internet ở mức 3 trở lên theo bảng phân loại của Bộ TT&TT như đăng ký thuế thu nhập cá nhân, quyết toán thuế thu nhập cá nhân, khai hải quan điện tử, cấp mã số đơn vị sử dụng ngân sách, nộp tờ khai thuế qua mạng Internet, tra cứu thông tin về người nộp thuế, thông tin hóa đơn, doanh nghiệp bỏ trốn, tra cứu biểu thuế, thông tin nợ thuế xuất nhập khẩu, tra cứu thông tin công ty niêm yết, ngân hàng phát triển dịch vụ chứng khoán…

Theo ông Trần Nguyên Vũ, Bộ Tài chính là một Bộ lớn đa ngành, hoạt động nghiệp vụ theo nhiều mô hình khác nhau, có phạm vi trải rộng trên toàn quốc từ Trung ương tới tỉnh, huyện, cấp xã. Chính vì vậy, với hơn 7 vạn người dùng cuối trong ngành và hạ tầng kết nối Internet tới tất cả các đơn vị trên cả nước luôn là nguồn gốc cho các hiểm họa đe dọa sự mất an toàn thông tin có thể xảy ra.

“Trong khi đó, giữa lúc ngành Tài chính chưa có một hệ thống giám sát an ninh thông tin hoàn chỉnh, thì đáng lo ngại là thực trạng tuân thủ các quy chế an toàn thông tin của người dùng trong ngành hiện nay còn chưa cao, trở thành những thách thức lớn quyết định đến hiệu quả của việc triển khai các ứng dụng phục vụ cải cách hành chính, sớm cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Vũ nhấn mạnh.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 6/2010.