Việt Nam đang trở thành địa chỉ gia công phần mềm hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: Đ.N |
BĐVN - Theo ông Kenji Yoshioka, Giám đốc điều hành Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP. HCM, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu để ý đến Việt Nam như là một địa chỉ gia công phần mềm sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo ước tính của JETRO, hiện có khoảng vài chục doanh nghiệp CNTT Nhật Bản đang đầu tư tại thị trường Việt Nam... Tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. HCM đã thành lập Ban CNTT với 25 công ty tham gia. Bên cạnh đó, ông Kenji Yoshioka cũng cho hay chính phủ Nhật Bản sẽ dùng tiền từ Quỹ Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) để giúp xây dựng khoa đào tạo nhân tài về CNTT cho Trường ĐHBK Hà Nội.
Còn theo ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA), tổ chức này cũng đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành địa chỉ hàng đầu gia công (outsourcing) quốc tế và là trung tâm đào tạo, cung cấp nhân lực phần mềm của thế giới, trong đó Nhật Bản là một trong 3 thị trường lớn nhất (cùng Mỹ và EU).
Góc nhìn của người trong cuộc
Ông Hironori Hashimoto đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. HCM đã chia sẻ những vấn đề mà các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần quan tâm khi hợp tác với đối tác Nhật Bản. Về chất lượng, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn coi các tiêu chuẩn như CMMI hay ISO là một phần quan trọng việc kiểm tra sản phẩm phần mềm. Bên cạnh đó, một yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là cần luôn cập nhật các công nghệ mới nhất để có thể đáp ứng được yêu cầu của các công ty Nhật Bản, đồng thời tích lũy các kinh nghiệm để có thể áp dụng cho cả quy trình cấp cao và cấp thấp, cũng như nắm được các phương pháp làm việc và thiết kế sản phẩm với các đối tác Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Nhật Bản rất thích những công ty có nhiều nhân viên giao tiếp trực tiếp được bằng tiếng Nhật. |
Kỹ năng giao tiếp cũng là một yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp Nhật Bản rất thích những công ty có nhiều nhân viên giao tiếp trực tiếp được bằng tiếng Nhật. Nếu không, ít nhất các kỹ sư phần mềm phải giao tiếp được bằng tiếng Anh. “Vấn đề hỏi - đáp cũng rất quan trọng. Nếu nhân viên của bạn không hiểu một vấn đề thì cần phải xác nhận lại với phía đối tác Nhật Bản chứ không được tự quyết định theo ý mình”, ông Hashimoto chia sẻ.
Nhiều công ty đã có kinh nghiệm làm ăn với thị trường phần mềm Nhật Bản như Công ty NCS cho rằng các đối tác Nhật Bản kiểm tra và thử thách năng lực, uy tín của công ty rất khắt khe, nhưng một khi họ đã vượt qua được và chiếm được lòng tin từ phía khách hàng Nhật Bản thì kể như họ có thể “sống khỏe” với những hợp đồng đến từ thị trường này. “Đúng vậy, các công ty Nhật Bản luôn mong muốn được hợp tác dài lâu với những đối tác mà họ đã lựa chọn và trao gửi niềm tin”, ông Hashimoto xác nhận.
Gỡ thủ tục không cần thiết
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng vẫn còn khá nhiều rào cản gây khó cho họ khi đầu tư vào thị trường CNTT Việt Nam, cũng như gây trở ngại cho các công ty phần mềm Việt Nam khi thâm nhập thị trường gia công phần mềm Nhật Bản. “Nhiều doanh nghiệp CNTT của Nhật Bản đang vào đầu tư tại thị trường Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực về CNTT cũng như việc đào tạo, trang bị cơ sở hạ tầng, các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ...”, ông Kenji Yoshioka nhận xét.
Đồng quan điểm này, ông Fujiwara Shigeru, Giám đốc Công ty Unico Vietnam cho rằng thực tế hiện nay còn tồn tại rất nhiều vấn đề gây trở ngại cho quá trình thực hiện dự án phát triển CNTT mà các doanh nghiệp rất mong cả hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sớm đưa ra được những giải pháp phù hợp nhất.
Chẳng hạn như liên quan đến thời hạn lưu trú, do đặc trưng của ngành gia công và phát triển phần mềm, một khi gặp vấn đề phát sinh ngoài ý muốn, việc lưu trú dài hạn để giải quyết là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng hiện nay, thời hạn lưu trú dành cho đối tượng là khách du lịch đến từ Nhật Bản bị hạn chế trong vòng 15 ngày là rất ngắn ngủi. “Điều này trên thực tế đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phái cử các kỹ sư từ Nhật sang Việt Nam phối hợp thực hiện dự án. Bởi vậy chúng tôi rất mong thời hạn đó được kéo dài thành ít nhất là 3 tháng”, ông Shigeru kiến nghị.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng nhận định rằng hiện Việt Nam còn tồn tại một quy định gây trở ngại lớn cho việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, lập trình viên cũng như quản lý dự án (bao gồm cả người lãnh đạo) là trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, tỷ lệ nhân viên người Nhật không được vượt quá 10%. “Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc chỉ đạo thực hiện các dự án đòi hỏi các kỹ sư phần mềm, quản trị dự án, thiết kế hệ thống... người Nhật sẽ phải đến Việt Nam với số lượng lớn, nhưng điều này là không thể được trong tình hình hiện nay, điều đó sẽ dễ dẫn đến tình trạng không kịp tiến độ dự án”, ông Shigeru nói.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng kiến nghị Chính phủ Nhật Bản nới lỏng vấn đề xuất nhập cảnh đối với các lập trình viên hệ cao đẳng và các trường dạy nghề như Aptech, NIIT của Việt Nam, vốn đang bị hạn chế xuất nhập cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cho phép họ thực hiện việc đào tạo chuyên môn CNTT cũng như tiếng Nhật cao cấp tại các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
Nghĩa Trọng