Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam".
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp Quốc gia 2022 nhằm tạo ra không gian trao đổi, chia sẻ về các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên thuận lợi trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Nhiều chủ đề được đưa ra thảo luận, tập trung vào cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cụ thể như: Cơ chế đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các quỹ đầu tư. Đồng thời các vướng mắc, tồn tại của Nghị định 38 (năm 2018) của Chính phủ về giới hạn số lượng nhà đầu tư hiện nay, hay giới hạn về hoạt động được thực hiện đầu tư và kiến nghị cần mở rộng nội dung cho vay, do đây là một bước thông thường trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (khoản vay chuyển đổi), cũng như tối ưu nguồn vốn nhàn rỗi chưa đầu tư của quỹ.
Theo ông Thẩm Trung Hiếu, đại diện pháp lý của quỹ đầu tư ThinkZone, các nhà quản lý Việt Nam cần khơi thông những điểm nghẽn để đón dòng vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thống kê từ ThinkZone cho thấy, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đạt con số 1,4 tỷ USD trong năm 2021, trong đó, có tới 90% là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Tuy nhiên, các quỹ lại không đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp Việt Nam mà phải thông qua một công ty vận hành được thành lập ở nước ngoài (thường là Singapore), sau đó mới rót vốn vào doanh nghiệp ở Việt Nam. "Cơ chế này phát sinh những rào cản nhất định, khi các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục là đưa đầu tư ra nước ngoài và đầu tư trở lại Việt Nam, nhất là khi các doanh nghiệp khởi nghiệp lại có nguồn lực hạn chế và cần tập trung vào sáng tạo sản phẩm", ông Hiếu nói.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết, dù đã có các cơ sở pháp lý đối với các quỹ đầu tư nội địa (Nghị định 38). Tuy nhiên trong thực tế hoạt động lại phát sinh nhiều điểm cần phải sửa đổi. Chẳng hạn, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân; quy định quỹ đầu tư có tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập và không đầu tư quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo…
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, hiện nay đã có đầy đủ khung pháp lý cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động thu hút đầu tư, nhưng để cạnh tranh với các nước trong khu vực thì vẫn còn nhiều điểm cần tháo gỡ mới có được môi trường phù hợp. Dẫu vậy, cũng cần tiếp cận theo một hướng rộng hơn, đó là cần tạo ra môi trường cho các quỹ đầu tư. Do đó, cần phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để có môi trường cho các quỹ đầu tư.
Theo ông Phan Đức Hiếu, hiện nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo băn khoăn về các rủi ro pháp lý khi hoạt động tại Việt Nam. Do đó cần một khung thể chế; môi trường thể chế cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng nên rà soát toàn bộ quy định pháp luật với tiêu chí các quy định hiện hành để có thể tạo ra sự phát triển bứt phá hơn.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, một chủ đề khác được quan tâm đó là Bộ chỉ số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (BII) và khung chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo khu vực công trong các cơ quan trung ương và địa phương (PSII), do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng.
Đây là những bộ chỉ số quan trọng giúp Việt Nam đánh giá được thực trạng đổi mới sáng tạo trong khu vực công cũng như khu vực tư và từ đó có những giải pháp, chính sách phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp toàn nền kinh tế. Đồng thời, đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đề xuất Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có nguồn vốn tư nhân và nhận các chính sách ưu đãi như quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.
Duy Vũ