Xây dựng văn hóa học đường phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất trong từng trường học. Bởi lẽ, nếu môi trường học đường thiếu văn hóa thì không những không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ.
Một môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có tài năng, đạo đức.
Một thực tế, để xây dựng văn hóa ứng xử, văn hóa học đường theo hướng ngày càng chuyển biến tích cực, các cơ sở giáo dục cần thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học gắn liền với các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, giáo dục hài hòa đức, trí, thể, mỹ cho học sinh.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động như đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch; dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm... để tạo chuyển biến tích cực về môi trường văn hóa học đường.
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục tại Hà Nội đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với các quy định cụ thể về nề nếp, kỷ luật, giao tiếp trong trường học, thường xuyên rà soát để thay đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế từng độ tuổi, cấp học.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn xảy ra một số vụ việc giáo viên, học sinh có những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử, giao tiếp, gây ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, gây bức xúc trong xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đến từ nhiều phía, trong đó, học sinh do tiếp xúc với nhiều luồng thông tin từ internet, mạng xã hội mà không có sự chọn lọc tiếp thu, dẫn đến những lệch lạc trong lối sống, hành vi, thiếu trách nhiệm với bản thân, thiếu tôn trọng, lễ phép với cha mẹ, thầy cô.
Thầy, cô giáo thì áp lực với thành tích, với nhiệm vụ chuyên môn, có những thầy, cô chậm cập nhật những thông tin mới, những thay đổi của đời sống xã hội nên chưa theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh… Những điều này có thể gây nên hành vi ứng xử chưa chuẩn trong môi trường học đường.
Đó là chưa kể, từ phía phụ huynh học sinh, do bận công việc, đặc thù nghề nghiệp và nhiều yếu tố khác, một số phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm, đồng hành với nhà trường nhắc nhở con và thực hiện đúng quy định về trang phục, lời nói…
Để giải quyết tình trạng này, phụ huynh cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Internet, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Zalo của học sinh để kịp thời phát hiện các biểu hiện lệch lạc, gây tác hại xấu đến môi trường giáo dục và xã hội, phối hợp với gia đình quản lý tốt việc truy cập và sử dụng Internet tại nhà của học sinh.
Đồng thời tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, giúp học sinh tự tin và có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho học sinh trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, nội dung các hoạt động tuyên truyền về xây dựng văn hóa ứng xử của các trường học ngày càng đa dạng và hướng đến nhiều đối tượng hơn, tạo mối liên kết chặt chẽ, đồng thuận trong việc vun đắp môi trường học đường an toàn, thân thiện và văn minh.
Thông qua các bài học giúp học sinh học được nhiều điều bổ ích. Có những việc như xếp hàng nơi công cộng, tự phục vụ khi vào thư viện, đến căng tin trường... mà trước đây các em không để ý, sau khi học mới hiểu hết ý nghĩa.
Việc này không chỉ là trách nhiệm của học sinh khi tham gia các hoạt động của trường, ở nơi công cộng, mà còn giúp mình rèn nếp ứng xử văn minh, thanh lịch. Nội dung giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch còn được lồng ghép vào nhiều môn học, hoạt động giáo dục ở trong và ngoài giờ chính khóa.