Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Nhiều chuyên gia cho rằng có luật riêng về vấn đề này là rất cần thiết, rất cấp bách.

Gỡ nợ xấu vẫn vướng

Ngân hàng Nhà nước cho hay: Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối năm 2015 tương ứng với 2,55%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn tồn tại một số tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao, chủ yếu tập trung ở các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 30/6/2016, nếu tính theo phương pháp thận trọng thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu chiếm khoảng 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

{keywords}
Nợ xấu ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đề cập đến những khó khăn trong xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến khâu xử lý tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước, tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém còn khó khăn do chưa có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù của tổ chức tín dụng yếu kém, như các quy định về biện pháp hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, từ các ngân hàng hỗ trợ và từ cơ chế hoạt động đặc thù cho các tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng thương mại mua lại bắt buộc.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng có luật riêng về vấn đề này là rất cần thiết, rất cấp bách. Trong đó, nên có những quy định cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng phải tái cơ cấu thông qua vai trò của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, cần xem xét về mặt chủ trương đối với cơ chế ưu đãi cho các ngân hàng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu để đảm bảo hài hoà lợi ích tổng thể.

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong điều kiện ngân sách nhà nước không có nguồn lực dành cho việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, để đảm bảo phục hồi lại các ngân hàng yếu kém, một số ngân hàng lớn đã tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém về quản trị, tài chính, tổ chức.

Chẳng hạn, các ngân hàng hỗ trợ điều động cán bộ có kinh nghiệm sang tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành ngân hàng mua lại bắt buộc; các hỗ trợ về mặt tài chính để các ngân hàng mua bắt buộc bước đầu có ngay nguồn thu nhập bù đắp chi phí hoạt động...

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định pháp luật quy định cụ thể về các biện pháp hỗ trợ nêu trên cũng như quyền, trách nhiệm của ngân hàng hỗ trợ, chế độ thu nhập, lương đối với các cán bộ được các ngân hàng hỗ trợ cử trực tiếp sang quản lý, điều hành các ngân hàng yếu kém... Vì thế, theo các chuyên gia, việc bổ sung rõ ràng, cụ thể những “khoảng trống” này là cần thiết để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nhất là những tổ chức tín dụng yếu kém.

{keywords}
GPBank được mua lại với giá 0 đồng

Cơ chế đồng bộ, gỡ khó cho ngân hàng

Bên cạnh các biện pháp kể trên, các chuyên gia cho rằng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu, cần giải quyết khó khăn, vướng mắc của tổ chức tín dụng hay Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến việc giao tài sản bảo đảm để xử lý, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng /VAMC thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tránh trường hợp chủ tài sản lợi dụng chây ỳ, chống đối kéo dài thời gian xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến việc xử lý nợ xấu của VAMC/TCTD.

Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Việc xử lý tài sản bảo đảm là một điểm nghẽn trong quá trình xử lý nợ xấu hiện nay. Ở Việt Nam hiện nay, việc xử lý tài sản bảo đảm đều phải thông qua tòa án, kéo dài vài năm trời. Sau khi tòa xử xong, lại giao cho 1 bộ phận thi hành án, thi hành án lại vướng mắc đấu giá, thủ tục nên không lạ gì vấn đề nợ xấu của Việt Nam không xử lý được.

Nhắc đến kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Bên Mỹ, một ngân hàng có tài sản bất động sản thế chấp, khi người đi vay không trả được nợ họ có 2 cách xử lý: Hoặc xử lý tài sản bảo đảm không qua tòa án hoặc qua tòa án. Ngân hàng đó chọn cách nào? Thường họ xem tài sản bảo đảm giá trị có đủ để bồi hoàn khoản đã cho vay không. Nếu họ thấy giá trị tài sản bảo đảm đó không đủ, họ biết rằng người đi vay có tài sản khác họ sẽ đưa người đi vay ra tòa, để xin tòa không chỉ phát mại tài sản đã thế chấp mà xin tòa cho phép được thu hồi cưỡng bức những tài sản khác của con nợ.

Đâychỉ  là 1 ví dụ cho thấy, việc xử lý nợ xấu nói riêng và tái cơ cấu NH nói chung đang có những điểm vướng nằm ngoài khả năng của ngành ngân hàng. Và như thế, để thúc đẩy tái cơ cấu, khai thông mạch máu kinh tế cần phải một cơ chế đồng bộ và cộng đồng trách nhiệm... cùng gỡ khó, hỗ trợ ngân hàng cũng là khơi nguồn động lực cho phát triển kinh tế đất nước.

Hoài Nam