Cách đây 20 năm, Google phát đi thông cáo báo chí khiến nhiều người nghĩ rằng chỉ là một trò đùa Cá tháng Tư. Công ty hứa hẹn dịch vụ email miễn phí, có dung lượng lưu trữ khổng lồ 1 gigabyte, so với mức phổ thông lúc bấy giờ là 15 megabyte.
Không bao lâu sau, những lời mời tham gia phiên bản beta của Gmail bắt đầu được gửi đi và dịch vụ thư điện tử này dần trở thành thứ không thể thiếu với những người hâm mộ công nghệ.
Không quá khi nói rằng Gmail đã cách mạng hoá thế giới thư điện tử, trở thành một phần trung tâm trong danh tính trực tuyến người dùng Internet. Dịch vụ này hiện có khoảng 1,2 tỷ người dùng, tương đương khoảng 1/7 dân số toàn cầu.
Mọi người nhớ đến Gmail như một dịch vụ miễn phí, còn thứ Google đặt vào trong đó là cỗ máy tìm kiếm. “Nếu bạn nghĩ về giá trị mà Gmail mang lại khi chúng tôi mới bắt đầu, thì đó là về khả năng tìm kiếm nhanh như chớp”, Ilya Brown, Phó Chủ tịch Gmail của Google cho biết.
Mọi người đã mệt mỏi với việc quản lý email, Brown nói. Thư rác có ở khắp mọi nơi và dung lượng lưu trữ trong hộp thư đến rất nhỏ. Người dùng liên tục phải xóa email cũ, nhường chỗ cho email mới. Giới hạn dung lượng “khổng lồ” của Gmail khi đó đã giải quyết được vấn đề nhỏ, nhưng phiền toái này.
Nhưng giải pháp của Gmail cũng gây ra một vấn đề mới: Giờ đây người dùng có quá nhiều email. Đó là nơi mà khả năng tìm kiếm của Google “có đất dụng võ”. Nếu bạn không bao giờ xóa email thì việc tìm kiếm nhanh chóng và đáng tin cậy là điều bắt buộc.
Google đã tinh chỉnh Gmail theo thời gian. Dịch vụ này có mặt trên thiết bị di động vào giữa những năm 2000. "Gã khổng lồ" tìm kiếm tạo ra những thay đổi nhỏ như mức độ ưu tiên, đề xuất phản hồi, thẻ tóm tắt hay một cú nhấp chuột để huỷ đăng ký nhận bản tin. Đến năm 2008, Google giới thiệu chủ đề (themes), khiến hộp thư đến của Gmail trở nên kỳ lạ hơn nhiều so với đối thủ. Bây giờ người dùng dịch vụ mail này có 15 GB dung lượng miễn phí.
Những thay đổi của hòm thư Gmail không mang tính “lột xác” mà luôn duy trì sự ổn định và tương đối giống nhau trong suốt thời gian qua. Song, nếu so sánh ảnh chụp màn hình của một tài khoản Gmail cũ, người dùng sẽ phải ngạc nhiên trước sự tiến hoá của hòm mail này. Không làm gián đoạn dịch vụ email được sử dụng rộng rãi nhất thế giới có lẽ là một trong những lý do khiến công ty có rất ít thay đổi lớn hoặc mang tính đột phá.
“Chúng tôi luôn coi trọng việc xây dựng những thứ cần thiết đối với người dùng Gmail. Một sản phẩm như Gmail có những kỳ vọng lớn về độ tin cậy. Mặc dù công ty ưa thích thử nghiệm nhưng phải cẩn trọng trong triển khai bất kỳ tính năng nào và phải giải thích được việc tính năng sẽ tác động ra sao đến sản phẩm”, Ilya Brown, Phó chủ tịch Gmail của Google cho biết.
Gmail có sức mạnh như một cuốn hộ chiếu khi du hành trên thế giới Internet. Bất cứ tài khoản mới cho một trang web hay dịch vụ mà người dùng đăng ký đều được liên kết chủ yếu tới Gmail.
Song, trong kỷ nguyên mới, Gmail không còn là cách giao tiếp trực tuyến trọng tâm của người dùng. Ngày nay, họ có các ứng dụng nhắn tin trực tiếp (DMs), trò chuyện nhóm hay các công cụ nhắn tin nội bộ doanh nghiệp.
Hầu hết những thông tin liên lạc đều diễn ra qua tin nhắn hoặc DM trên mạng xã hội, một mạng lưới liên lạc phi tập trung đồng nghĩa với việc dễ sử dụng hơn. Thế nhưng, tìm kiếm trong các hộp tin nhắn trực tiếp không bao giờ dễ dàng như trong hộp thư đến của Gmail.
Ứng dụng Slack thậm chí còn yêu cầu trả phí nếu muốn truy cập các tin nhắn cũ hơn. Hay việc lướt qua các dòng tin nhắn trực tiếp trên TikTok để tìm một video nào đó khiến trải nghiệm trở nên bớt thú vị.
Dịch vụ thư của Google dần trở thành một cuốn nhật ký với khả năng lưu trữ mà không đối thủ nào có thể vượt qua. Các gói hàng, biên lai, hành trình của những chuyến du lịch, tin nhắn từ những người thân yêu, ảnh, cuộc hẹn, tài liệu - người dùng chỉ cần gắn nhãn, lưu trữ và dễ dàng tìm kiếm sau này.
Kỷ nguyên của AI tổng hợp khiến vị thế thống trị lĩnh vực tìm kiếm của Google trở nên lung lay. Các công ty đua nhau đưa ra giải pháp trợ lý AI, và Gmail cũng có thể trở thành một phiên bản như vậy.
“Chúng tôi luôn hướng tới những trải nghiệm thú vị khác mà không nhất thiết gắn với thuộc tính của một hòm thư điện tử”, Brown chia sẻ. “Đôi khi đó là những điều giúp người dùng làm gì đó nhanh hơn”, chẳng hạn nếu bạn gửi mail mời đồng nghiệp một bữa café, AI trong Gmail sẽ đề xuất địa điểm và gắn lên Google Calendar.
Tuy nhiên, đây vẫn là câu chuyện tương lai khi Google vừa trải qua những “sự cố” đối với chatbot AI Bard, sau là Gemini.
Thiết kế: Nguyễn Hoàng Cúc