Cách đây không lâu, một học sinh 15 tuổi, đang ôn thi chuyển cấp lên lớp 10, phải nhập viện cấp cứu khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan mật Tụy của Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày tá tràng đã điều trị nội khoa nhiều đợt.

Gần đây, lo lắng chuyện thi cử, luyện thi nên đau bụng vùng trên rốn nhiều hơn. Sau một ca học thêm buổi tối, em về nhà thì bị đau bụng dữ dội kèm theo sốt cao, được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng có hội chứng nhiễm trùng rõ, bụng đau co cứng như gỗ.

Sau khi được làm những xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng, phải mổ cấp cứu ngay.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng từng truyền máu tối khẩn cấp để cứu bệnh nhi 15 tuổi vì xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày. Bệnh nhi được đưa đến viện trong tình trạng mệt lả, nhợt nhạt, nôn ra dịch dạ dày màu đen số lượng lớn (khoảng 400ml) kèm đi ngoài phân đen. Trước đó một tháng trẻ đã xuất hiện đau bụng âm ỉ thượng vị, bệnh nhi thường xuyên thức khuya học ôn thi và ăn đồ chua cay.  

Các bác sĩ đã tiến hành kẹp một clip cầm máu và cho biết trẻ bị xuất huyết tiêu hóa nặng do chảy máu ổ loét hành tá tràng, nếu không kịp can thiệp, trẻ có thể tử vong vì mất máu.

Một nam sinh 15 tuổi khác ở Hà Nội trong một năm phải cấp cứu 4 lần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì nôn và đi ngoài ra máu do chảy máu dạ dày. Nguyên nhân một phần do em bị áp lực học hành, lại thường thức khuya xem tivi, chơi điện tử, chế độ ăn uống vô độ, ăn nhiều thức ăn nhanh...

Theo các bác sĩ, ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ, căng thẳng tâm lý (stress)... là những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Căn bệnh này càng ngày càng trẻ hóa, xuất hiện ở lứa tuổi học đường do áp lực học hành, thi cử đặc biệt thời điểm cuối năm học.

Tránh tạo áp lực, căng thẳng cho trẻ

Để giúp trẻ tránh áp lực, căng thẳng, thầy thuốc khuyến cáo cha mẹ, thầy cô cần giúp con có kế hoạch học tập hợp lý, tránh dồn khối lượng lớn trước kỳ thi, có thời gian xen kẽ nghỉ ngơi, thư giãn, vận động thể chất; Ăn uống khoa học, hợp vệ sinh, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya.

hocsinh.vnn35.apluc.png
Để giúp trẻ tránh áp lực, căng thẳng, thầy thuốc khuyến cáo cha mẹ, thầy cô cần giúp con có kế hoạch học tập hợp lý. Ảnh minh họa

Động viên, khuyến khích tạo tâm trạng thoải mái cho trẻ, không đòi hỏi kết quả vượt quá xa năng lực thực tế của trẻ. Không trách mắng, xúc phạm trẻ khi kết quả không đạt được như kì vọng...

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, với trẻ em ở lứa tuổi học đường, cha mẹ, người thân, thầy cô cần sớm nhận biết dấu hiệu căng thẳng, lo âu, thậm chí sợ hãi của trẻ.

Đơn cử như mệt mỏi, hay hồi hộp, lo lắng, vã mồ hôi, khó chịu, bồn chồn, rối loạn cảm xúc (cáu giận, bực bội, phản ứng thái quá trước những việc bình thường), ăn ngủ kém, hay đau bụng đi ngoài mỗi khi căng thẳng...

Khi đã có viêm loét dạ dày trẻ sẽ có những cơn đau bụng trên rốn hoặc quanh rốn âm ỉ, giống như rối loạn tiêu hóa nên cha mẹ thường chủ quan tự chữa bằng men tiêu hóa, tẩy giun… Do đó nhiều khi bệnh chỉ được phát hiện khi đã biến chứng. Ngoài ra, trẻ còn có thể buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua…

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu 85% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học theo quy định; 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh.

100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 50% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi.

Hồng Hạnh và nhóm PV, BTV