Lâu nay bà con nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để quảng bá và bán hàng chủ yếu là tự phát.
Để TMĐT thực sự là kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả, đồng thời giúp nông dân tránh vướng mắc về pháp lý, thiệt hại khi tham gia kênh thương mại hiện đại này rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức cho bà con.
Hồng Việt là xã xa trung tâm huyện Đông Hưng nhưng nổi tiếng với nghề làm vườn, trồng và cung cấp cây giống cho thu nhập cao. Gần 10 năm trở lại đây, Hồng Việt được nhiều người biết đến hơn bởi bà con phát triển thêm nghề sinh vật cảnh. Nhiều nhà vườn có quy mô hàng héc- ta biến nơi đây thành “vựa cây”, điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Anh Trần Văn Hưng - chủ một nhà vườn gần 4ha ở thôn Đoài chia sẻ: Trước đây bà con sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chỉ đáp ứng thị trường trong huyện; nhưng nay, với quy mô lớn từ gia trại, trang trại đòi hỏi thị trường tiêu thụ phải lớn hơn.
Để phát triển thị trường, chúng tôi tự học cách sử dụng Facebook, Zalo, Tiktok để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và bán hàng. Bước đầu cho hiệu quả rõ rệt, cụ thể là các cây cảnh, cây công trình, cây giống từ chỗ chỉ bán trong tỉnh thì nay đã giao dịch khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Doanh thu của nhà vườn hiện đạt hơn 10 tỷ đồng/ năm, trừ mọi chi phí còn lãi 1 tỷ đồng.
Xã Hồng Việt có gần 2.500 hộ thì có tới gần một nửa sống bằng nghề làm vườn. Nhằm phát huy thế mạnh, kinh nghiệm nghề nghiệp của bà con, địa phương đã thực hiện quy hoạch và chuyển đổi 106ha cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nghề ươm cây giống, cây cảnh, cây công trình.
Ông Trần Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Có diện tích đất vùng chuyển đổi, địa phương hỗ trợ thủ tục hành chính để tín chấp, thế chấp vay vốn ngân hàng với tổng dư nợ gần 270 tỷ đồng, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đưa giá trị sản xuất lên 600 - 800 triệu đồng/ha/năm.
Trong số đó phải kể đến nhà vườn của các ông Nguyễn Văn Thảo, Lê Văn Thanh, Lương Văn Thuận, Trần Văn Hưng có quy mô từ 1 - 5ha, cho thu nhập từ 5 - 20 tỷ đồng/năm, đây cũng là những hộ tận dụng tốt TMĐT để quảng bá sản phẩm và bán hàng trực tuyến.
Người dân Hồng Việt nhạy bén trong việc tìm và sản xuất ra những sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu, nhu cầu thị trường. Bà con chủ động thành lập các hội, nhóm để hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật, vốn, giống và tiêu thụ sản phẩm.
Lớp nông dân trẻ còn rất năng động, sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm và bán hàng. Đặc biệt, người dân Hồng Việt bước đầu đã tiếp cận và sử dụng TMĐT để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tương đối hiệu quả.
Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: TMĐT là kênh quảng bá, bán hàng hiện đại, tuy nhiên, cũng như nhiều nơi khác, người dân, doanh nghiệp ở Hồng Việt chưa phát huy hết được lợi thế và hiệu quả TMĐT mang lại do chưa có đủ trình độ, kỹ năng.
Bên cạnh đó, việc các tổ chức, cá nhân chưa nắm bắt đầy đủ pháp luật liên quan đến hoạt động TMĐT nên xảy ra những rủi ro về pháp lý, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng TMĐT, vừa qua, Sở Công Thương đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, làm chủ các tính năng của sàn TMĐT, các mạng xã hội.
Hướng dẫn bà con một số kỹ năng sản xuất video ngắn từ khâu xây dựng ý tưởng, viết kịch bản, quay phim, tự tin đứng nói trước camera, sử dụng một số phần mềm chỉnh sửa clip, cách kết cấu hình ảnh để có một video hấp dẫn, tạo sự tương tác cao và chuyển đổi thành đơn hàng giao dịch trên sàn TMĐT và các nền tảng mạng xã hội.
Hiện nay, xã Hồng Việt đặt phát triển TMĐT là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ông Trần Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: TMĐT chính là không gian mới giúp bà con đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tăng hệ số quay vòng sản xuất.
Đây cũng là giải pháp quan trọng để địa phương bứt phá giá trị sản xuất nông nghiệp và thương mại, dịch vụ trong những năm tới, phấn đấu hết năm 2025 tổng giá trị sản xuất của xã đạt 400 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 75 triệu đồng trở lên/năm.
Theo Khắc Duẩn (Báo Thái Bình)