Ưu tiên nguồn vốn
Trước sự bùng phát dữ dội và sức tàn phá của đại dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm duy trì, ổn định, không đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất dẫn tới thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu gặp khó khăn.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), ngoài việc bố trí ăn, ở, ngủ, các doanh nghiệp phải bổ sung thêm phụ cấp đặc biệt cho lực lượng lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ.” Điều này làm tổng chi phí lương của doanh nghiệp tăng gấp đôi so với trước, trong khi tổng sản lượng sản xuất lại giảm hơn 50%.
Với vai trò là ngành đặc thù, thời điểm này, việc ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như dự trữ trong nước là rất cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết, để đảm bảo cho sản xuất, cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân theo chỉ đạo, đại diện FFA cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang phải cầm cự kinh doanh không có lợi nhuận khi hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng cao, nhất là giá nguyên liệu đầu vào của ngành từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh từ 15-30%.
Trong khi đó, sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp phải giữ nguyên giá bán để chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng. Chưa kể, doanh nghiệp bắt buộc phải thu mua, nhập thêm nguồn nguyên phụ liệu mới dự trữ.
Do đó, “các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đang thật sự rất cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để gia tăng, tiếp tục ổn định sản xuất, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng,” bà Lý Kim Chi nói.
Kịp thời gỡ khó về tín dụng cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm |
FFA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh bổ sung các doanh nghiệp ngành nghề đặc thù như: lương thực thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay... từ Nhà nước, qua đó, giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn nhằm dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
FFA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp hiện hữu đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai, giúp tăng giá trị vốn vay lưu động cho doanh nghiệp từ 70% như hiện nay lên 85%.Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.
Song song đó, FFA cũng đề nghị ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn vay trung, dài hạn và ngắn hạn đối với doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm trong giai đoạn này. Theo đó, ưu tiên các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dài hạn nhiều hơn vốn ngắn hạn như tỷ lệ hiện nay…
Tháo gỡ từng khó khăn
Đồng hành, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và UBND thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục xử lý và tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho DN…
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết từ khi có dịch Covid-19, NHNN đã triển khai rất quyết liệt, đồng bộ việc ban hành Thông tư 01, sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo NHNN, ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ, việc giảm lãi vay là một trong những giải pháp thiết thực, cụ thể nhất đối với DN lúc này. Từ khi dịch bùng phát đến nay, tính chung tất cả khoản lãi đã được giảm bớt cho DN là vào khoảng 18.830 tỉ đồng.
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp với 16 NH thương mại và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng trên 20.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô NH. Riêng Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV còn triển khai miễn phí 100% tất cả loại phí dịch vụ NH cho các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành ngân hàng thành phố cũng đang tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm.
Tập trung hỗ trợ cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi phí… cho doanh nghiệp theo nội dung của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo ông Minh, vấn đề quan trọng hiện nay là nhiều doanh nghiệp lương thực, thực phẩm kiến nghị được cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh sau ngày 10/6/2020 do dịch Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 03, các ngân hàng chỉ được cơ cấu lại khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020.
Nếu chiếu theo quy định này, các ngân hàng sẽ không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời, các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Do đó, đại diện NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện đơn vị này đang tổng hợp ý kiến và sẽ đề xuất với Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi nội dung Thông tư 03 theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp, kể cả liên quan đến vấn đề tiếp cận chính sách tín dụng và xem xét giảm thêm lãi suất cho vay hơn nữa.
Hiện, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; chương trình bình ổn giá.
Đồng thời, nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Bảo An