Giường giấy chịu được sức nặng trăm kg
(Clip: A.Đức)
Một đơn vị chuyên về bao bì cho biết, giường giấy là một trong những sáng kiến đột phá đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay. Ý tưởng giường giấy được ra đời vào thời điểm các bệnh viện tại Thái Lan rơi vào tình trạng nhu cầu giường bệnh tăng cao đột ngột.
Giường giấy đang được nhiều nước sử dụng trong các bệnh viện dã chiến. |
Cho đến nay, các mẫu giường giấy đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong rất nhiều khu cách ly, bệnh viện dã chiến và các nhà máy áp dụng cho công nhân ăn - ở và sản xuất tại chỗ rất thuận tiện. Theo đó, chiếc giường giấy được làm từ 100% giấy tái chế, lắp đặt dễ dàng chỉ trong 8 phút, mang lại sự thoải mái và an toàn cho người sử dụng với sức chịu đựng lên đến cả trăm kg.
Độc đáo khẩu trang do hàng nghìn con tằm tự dệt
Quy trình tạo ra chiếc khẩu trang tơ tằm 3 lớp bằng cách dùng hàng ngàn con tằm tự dệt (Nguồn: Người Lao Động)
Báo Người Lao Động thông tin, với ý tưởng độc đáo, nghệ nhân Phan Thị Thuận (70 tuổi, Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã thành công khi tạo ra các sản phẩm chăn bông, áo bông tơ tằm… với hàng ngàn con tằm đang tự dệt. Thành công nối tiếp thành công, hiện bà Thuận cũng sử dụng hàng ngàn con tằm tự dệt ra những lớp khẩu trang với những điểm đặc biệt là không chỉ đẹp mà còn tốt cho da.
Bà Thuận cho biết, để làm ra được những sản phẩm này, bà phải huấn luyện những con tằm tự dệt chăn tơ. Khẩu trang được thiết kế 3 lớp, lớp trong cùng lớp lụa mỏng được dệt bằng tơ, còn lớp ngoài cùng được dệt bằng tơ tằm thô từ những con kén phế để tạo ra nhằm tạo phần cứng. Và đặc biệt là lớp ở giữa là tấm kén phẳng được đan đều từ những con tằm tự dệt. Công đoạn tạo ra tấm kén phẳng, theo bà Thuận không sử dụng bất kỳ chiếc máy nào hết.
Theo bà Thuận, vì những chiếc khẩu trang đa phần là làm thủ công nên mỗi ngày 1 người thợ chỉ có thể làm được 10 cái khẩu trang và mỗi chiếc khẩu trang đươc bán với giá 150 nghìn/1 chiếc.
Cá thơm mùi lá dứa - đặc sản hiếm ở Nam Bộ
Cá dứa còn gọi là cá tra bần, thuộc họ cá tra, là một trong những loài cá đặc sản của huyện Cần Giờ (TP.HCM). Đây là loài cá sống ở vùng nước động, vừa nước ngọt, nước mặn và vừa ở môi trường nước lợ. Cá dứa được đánh bắt tự nhiên, mùa cá chỉ kéo dài khoảng 4-5 tháng. Do sản lượng ít nên chúng ngày càng trở nên quý hiếm.
Cá dứa tự nhiên là đặc sản hiếm có (ảnh: IT) |
Cá dứa vốn nổi tiếng thơm ngon và giàu dinh dưỡng, thịt săn chắc, thơm mùi lá dứa, độ béo ngậy vừa phải nên ăn không chán. Theo các thương lái, giá cá dứa luôn xếp vào hàng đắt đỏ, thậm chí có loại gần 1 triệu đồng/kg, có tiền chưa chắc đã mua được. Cá dứa tự nhiên đắt đỏ một phần do chất lượng cá thơm ngon, phần khác do đánh bắt rất khó khăn. Ngày nay, cá dứa đã được nhân giống và nuôi phổ biến, có giá rẻ hơn nhiều so với cá tự nhiên.
Loài cá vàng óng - của hiếm sông Đà
Cá bò vàng được coi là đặc sản hiếm có ở vùng sông Đà. Đặc điểm nổi bật của cá bò vàng là thân mũm mĩm, xương mềm và ít tanh. Loại cá này có màu vàng óng với phần thịt béo ngậy, thơm ngọt tự nhiên đang được nhiều người lùng mua. Song, nhiều khi phải đặt trước cả nửa năm mới có.
Loại cá này được người dân bản địa gọi là cá bống suối, thường sống chui rúc ở các khe đá. Theo các đầu mối, đây là loài cá tự nhiên, không phải là cá nuôi và được người dân đi câu để gia đình ăn, thừa mới mang bán. Giá cá bò vàng dao động từ 220.000-350.000 đồng/kg.
Soi giới tính gà: Nghề lạ lương cao
Chị Đặng Thị Mến (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết trên Báo Dân Trí, nghề soi giới tính gà đã có từ lâu nhưng 10 năm trở lại đây thì nhu cầu ngày càng tăng cao. Nhưng công việc này khó nên rất hiếm nhân công. Bởi có rất nhiều người từng theo học soi gà nhưng vẫn không thể làm được hoặc làm một thời gian thì bỏ.
Cách xác định trống mái phổ biến là dựa vào lỗ huyệt gà. (Ảnh: Dân Trí) |
Theo chị Mếm, chỉ cần một chiếc đèn bàn, người thợ làm nghề soi giới tính gà có thể phân loại chính xác được gà con mới nở là trống hay mái. Người thợ làm công việc soi giới tính khó có thể chủ động về mặt thời gian mà phụ thuộc chủ yếu vào thời điểm gà nở. Số tiền kiếm về mỗi ngày có thể lên đến 2 triệu đồng.
Chú cá koi thân dài 1m, giá 200 triệu khiến dân tình xôn xao
GiadinhNet cho hay, cách đây không lâu, một chú cá koi có chiều dài thân gần 1m với vảy ánh kim đồng đỏ được rao bán với giá lên tới 200 triệu đồng. Con cá đã 5 tuổi, được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và có thể sống thọ đến 60-80 năm. Cá thuộc giống Gin Rin Chagoi, giống quý và đắt tiền nhất, được xem là vua của các loài cá koi.
Ngoài con cá có mức giá "khủng" này, nhiều con cá thuộc giống quốc ngư quý hiếm này được bán với mức giá từ 50-150 triệu đồng/con. Theo CNCB, cá Koi có giá rất đắt. Đến nay, con cá Koi đắt nhất từng được bán với giá tới 1,8 triệu USD tại trang trại cá Saki ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Quả hình giống mướp nhưng là dưa chuột
Báo Dân Trí cho hay, mới đây, trên mạng xã hội, một người phụ nữ đã đăng tải hình ảnh về một loại quả dài ngoằng, có thân dây leo. Nhiều người nhìn thoáng qua đã đoán ngay là quả mướp. Nhưng sự thật lại không phải như vậy.
Nhiều người tỏ ra khá lạ lẫm khi lần đầu tiên nhìn thấy quả dưa chuột hình con rắn mà lại giống quả mướp như vậy. (Ảnh: Dân Trí) |
Thật ra, đây là một loại quả có vẻ ngoài giống như quả mướp nhưng thực chất lại là quả… dưa chuột. Có thể thấy, không chỉ hình dáng quả giống mướp mà ngay cả lá và hoa vàng cũng giống. Theo chia sẻ của chủ bài đăng, loại dưa này là giống dưa chuột rắn Mỹ bởi phần thân dài và uốn cong như con rắn. Đây được coi là "nữ hoàng của các loại dưa chuột" bởi nó có vị ngọt đặc trưng, ăn giòn và chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Nhiều người tỏ ra khá lạ lẫm khi lần đầu tiên nhìn thấy quả dưa chuột hình con rắn mà lại giống quả mướp như vậy.
Đi chăn trâu, bắt được vích biển quý hiếm nặng 6kg
Báo Dân Trí thông tin, chiều 2/7, trong lúc chăn trâu tại bờ kè sông rác đoạn xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, ông Nguyễn Khắc Đại đã phát hiện và bắt giữ một con vích biển, nặng 6 kg.
Sau khi bắt được cá thể vích, ông Đại đưa về nhà và báo lên chính quyền. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã thông báo cho cơ quan chuyên môn đến kiểm tra. Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên nhận định, đây là loài vích biển quý hiếm. Hiện cá thể vích trên đã được thả về vùng biển xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên).
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Độc đáo cách làm khẩu trang do hàng ngàn con tằm tự dệt thu hút khách mùa dịch Covid-19
Với ý tưởng độc đáo của nghệ nhân Phan Thị Thuận (70 tuổi, Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã tạo ra những chiếc khẩu trang tơ tằm 3 lớp bằng cách dùng hàng ngàn con tằm tự dệt, được nhiều khách hàng ưa chuộng.