- Họ từng là người thân sống chung một nhà. Sau tiệc rượu, người chết, kẻ đi tù, tình thân vụn vỡ. "Không tử hình nó à? Tôi kháng cáo tiếp", người đàn bà quả quyết, bước ra khỏi phòng xử án.

Đó là câu nói của mẹ vợ Nguyễn Thanh Tùng (SN 1985, Sóc Trăng), kẻ bị TAND Cấp Cao tại TP HCM đưa ra xét xử phúc thẩm về tội "giết người".

Án mạng trong nhà

Theo bản án sơ thẩm, Tùng là em rể của Đoàn Văn Phương (SN 1989, Sóc Trăng). Do kinh tế khó khăn, vợ chồng Tùng cùng gia đình cha vợ đến huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ở trọ để làm công nhân.

Ngày 12/7/2015, nhà Phương tổ chức tiệc rượu nên cha vợ gọi vợ chồng Tùng về tham gia. Đến 15h cùng ngày, khách về, chỉ còn những người trong gia đình Phương ngồi nói chuyện.

Trong lúc nói chuyện, Phương bảo mẹ mình sáng hôm sau không phụ vợ Tùng bán đồ ăn sáng nữa để về quê đón con mình lên. Chuyện chỉ có vậy nhưng hai bên phát sinh mâu thuẫn. Cho rằng em rể xúc phạm mình, Phương vào bếp xách dao đuổi đánh Tùng nhưng được mọi người can ngăn.

{keywords}

Bị cáo Tùng tại tòa

Không chịu bỏ qua, Tùng chạy xe về phòng trọ lấy một con dao quay lại hơn thua với anh vợ. Đến nơi, hai bên lao vào nhau, Tùng rút dao đâm một nhát vào ngực anh vợ. Khi nạn nhân gục xuống, Tùng cùng cha vợ vội vàng đưa đi cấp cứu nhưng anh vợ đã tử vong do vết thương thấu phổi.

Tại tòa sơ thẩm, cha vợ Tùng yêu cầu bị cáo bồi thường tổng cộng 109 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi con nạn nhân 1,5 triệu đồng mỗi tháng cho đến khi cháu bé trưởng thành. Tùng nhận tội và chấp nhận bồi thường, tòa tuyên phạt bị cáo 18 năm tù. Sau phiên tòa, cha mẹ nạn nhân kháng cáo đề nghị tòa tăng hình phạt, tử hình con rể.

Mẹ vợ đòi tử hình con rể

Ở phiên tòa phúc thẩm, Tùng không có người thân còn cha mẹ vợ đến tòa cùng luật sư của họ. Tòa hỏi về lý do kháng cáo. Sau hồi lưỡng lự, cha vợ Tùng giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Ông cho rằng gia đình ông chỉ có một con trai như cây một trái.

Khi xảy ra sự việc, gia đình đã can ngăn vậy mà bị cáo lại quay lại giết chết con ông. Hơn nữa, tính đến nay gia đình bị cáo vẫn không chịu bồi thường đồng nào nên ông giữ nguyên kháng cáo.

Biết sự bức xúc của cha mẹ vợ, Tùng giải thích do lâu nay mẹ bỏ, không thăm nuôi nên bị cáo không động viên họ bồi thường được. Bị cáo xin cha mẹ vợ tha thứ để sớm được trở về.

Giờ nghị án, như phân trần cho mình, mẹ vợ Tùng khóc và nói: "dù sao nó cũng là rể, là chồng của con gái mình, cha của cháu mình, mình vẫn thương chứ! Vậy nhưng chị sui không biết điều, chị ấy nói câu nào lạnh lùng câu ấy. Trước khi xử, tôi gọi điện bảo chị ấy xem bồi thường thế nào để tôi xin giảm nhẹ cho nó sớm về nhưng chị ấy bảo con mình không có tội gì hết, không có chuyện bồi thường".

Nghe vậy, cha nạn nhân nói thêm: "nhà tôi nghèo, tôi già rồi phải đi làm công nuôi cháu, nhà chỉ có mỗi thằng Phương, như cây 1 trái mà mất luôn. Hôm ấy, tôi không kiềm chế thì bóp chết nó rồi. Thế nhưng, bà sui từ hồi đó đến giờ không thắp cho con tôi nổi một nén nhang, không nói được một câu tử tế. Nhà họ thì khá lắm đâu có nghèo mạt, đâu phải tha hương như nhà tôi...".

Trong chuỗi tâm tư ấy, mẹ nạn nhân luôn khẳng định lòng vẫn thương con rể, mong đứa cháu ngoại sớm có cha, mong con gái bớt phần hiu quạnh. Mỗi lần con đi thăm nuôi chồng, bà đều làm thức ăn gửi vào cho bị cáo. Vậy mà mẹ Tùng không biết nặng nhẹ, phải trái, bao nhiêu tai họa ập đến gia đình bà nên bà giận kháng cáo cho bõ tức...

Sau khi xem xét, nhận định hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm, mang tính côn đồ nhưng nạn nhân cũng có một phần lỗi. Từ đó, tòa bác đơn kháng cáo giữ nguyên mức án 18 năm tù.

"Là sao? Y án hả? Không tử hình nó à? Tôi kháng cáo tiếp", bà quả quyết rồi bước ra khỏi phòng xử án. Dù tòa đã phổ biến nhưng bà không nhớ rằng đây là phiên phúc thẩm, bản án sẽ có hiệu lực ngay. Nói xong bà bức xúc ra về. Nỗi đau mất con thật không dễ nguôi ngoai. Thế nhưng, không biết sự thắng thua, hơn thiệt của cha mẹ hai bên trong vụ án này sẽ đem lại những gì cho con trẻ?

M.Phượng