Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019 sau soát xét với lợi nhuận 6 tháng bất ngờ tăng thêm cả trăm tỷ đồng lên hơn 760 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do hãng kiểm toán KPMG đã điều chỉnh giảm cả trăm tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đối với các giao dịch kỳ hạn, đồng thời điều chỉnh tăng thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh so với báo cáo tự lập. Tổng tài sản của ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng lên mức gần 160 ngàn tỷ đồng.
Giá cổ phiếu EIB gần đây giảm theo đà đi xuống chung trên thị trường, nhưng vẫn ở vùng cao nhất trong 3 năm qua. Trong nhiều năm gần đây, sóng ngầm kéo dài tại Ngân hàng Eximbank vẫn chưa dừng lại với hàng loạt thay đổi.
Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank kéo dài nhiều năm qua, nhất là sau khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015. Tình hình trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, đặc biệt từ sau ngày 22/3/2019, thời điểm 7 thành viên HĐQT Eximbank đã họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc.
Cuộc chiến tại Eximbank vẫn phức tạp. |
Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của NamABank. Bà Tú (1980) từng là TGĐ Ngân hàng Nam Á (NamABank) của cố doanh nhân Tư Hường. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.
Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank nóng rực trở lại bắt đầu từ cuối tháng 3/2019 sau khi thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.
Ông Minh Quốc đã có đơn kiện và tòa án TP.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc sau đó có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT.
Ông Cao Xuân Ninh (1962) sau đó được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho 2 nhân vật đối đầu trong một cuộc chiến tranh giành chiếc ghế cao nhất tại Eximbank trong nhiều tháng trước đó.
Dù vậy, loạt diễn biến vừa qua, bao gồm hoãn ĐHĐCĐ cuối tháng 5, ĐHĐCĐ bất thành cuối tháng 6, hay việc ông Cao Xuân Ninh xin từ chức Chủ tịch cho thấy HĐQT Eximbank vẫn còn rất nhiều xung khắc.
Hiện tại, giới đầu tư không biết người đại diện theo pháp luật của Eximbank là ai? Ai đang là người chịu trách nhiệm cho một tổ chức tín dụng có tổng tài sản lên tới gần 160 ngàn tỷ đồng, trong đó gần 130 ngàn tỷ đồng tiền gửi của người dân.
Thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 4/9, đa số các cổ phiếu blue-chips giảm khiến VN-Index mất gần 4 điểm. Giao dịch ảm đạm.
Các cổ phiếu nổi bật như bộ 3 cổ phiếu Vingroup, Vincom Retail, Vinhomes của ông Phạm Nhật Vượng; VietJet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo,... đều giảm giá. Trong 30 cổ phiếu lớn, chỉ có Masan của ông Nguyễn Đăng Quang và GAS tăng giá.
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo Rồng Việt, thị trường đã không còn giữ được sự khởi sắc sau dịp nghĩ lễ, dòng tiền vẫn đang e dè chưa tham gia lại thị trường. Hiện tại vẫn chưa có dòng cổ phiếu nào nổi bật để thu hút dòng tiền. Do đó nhà đầu tư cần quan sát thêm để có chiến lược phù hợp trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/9, VN-Index giảm 4,7 điểm xuống 979,36 điểm; HNX-Index giảm 0,91 điểm xuống 101,4 điểm và Upcom-Index giảm 0,52 điểm xuống 57,31 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 5,0 ngàn tỷ đồng.
V. Hà