Zing lược dịch bài viết của tác giả Megan Molteni, tạp chí Wired.

Chiều 30/5, trên đường phố Minneapolis, hàng nghìn người đổ về Lake Street tham gia những cuộc biểu tình từ vụ cảnh sát làm chết người đàn ông da đen tên George Floyd. Biểu tình nhanh chóng trở thành bạo động, nhóm người quá khích và cảnh sát liên tục đụng độ.

Trên tay dòng người biểu tình là những tấm biển viết tay ghi "Stop killing black people" (Ngưng giết người da đen) và "Justice for George" (Công lý cho George). Mặt nạ ở khắp nơi và smartphone được chĩa liên tục vào nhóm biểu tình để livestream lên mạng xã hội.

nguoi dan Minneapolis doi pho voi bao dong phan biet chung toc anh 1

Thành phố Minneapolis đang trong những ngày hỗn loạn sau khi một người đàn ông da đen bị cảnh sát ghì cổ đến chết. Ảnh: Getty Images.

Không livestream, không mạng xã hội

Cách đó vài tòa nhà, tại công viên Martin Luther King Jr., không khí hoàn toàn khác. Một nhóm 300 người đang tập hợp với những quy định kỳ lạ: không được livestream, không đăng bài lên mạng xã hội, chỉ chia sẻ thông tin trực tiếp với những người tin tưởng.

Nghe có vẻ 300 người này đang hơi quá thận trọng. Nhưng họ chủ yếu thuộc các gia đình và người về hưu da trắng và đang lên kế hoạch bảo vệ khu phố mình sống. Sự thận trọng là dễ hiểu khi trong 24 giờ qua, hàng loạt cơ sở kinh doanh, nhà hàng và nơi công cộng tại thành phố liên tiếp bị phá hoại, và mọi chuyện có thể còn tệ hơn khi về đêm.

Những người tham gia lên kế hoạch đối phó bạo động không được livestream hoặc đăng bài lên mạng xã hội. Những kẻ cực đoan có thể biết thông tin về kế hoạch của nhóm rồi trà trộn để gây hỗn loạn.

Sáng 30/5, thống đốc bang Minnesota Tim Walz tuyên bố ông tin rằng nhiều tổ chức, gồm cả những người theo xu hướng da trắng thượng đẳng (white supremacist) và các băng đảng ma túy chính là một phần của các vụ biểu tình biến thành bạo động ở phía nam Minneapolis, khiến hàng trăm ngôi nhà bị hư hại và thiêu rụi những ngày qua.

Theo MPR News, một số người da trắng có vũ trang đã đi quanh thành phố trên những chiếc xe không được đăng ký với tiểu bang, kèm theo biểu tượng liên quan đến nhóm người theo xu hướng da trắng thượng đẳng...

Để ngăn chặn điều này, cư dân địa phương đã gặp gỡ, trao đổi kế hoạch đối phó như thời chưa có Internet. Trên khắp thành phố, họ gặp nhau tại các công viên, trung tâm cộng đồng để phân chia nhiệm vụ canh gác nhà cửa, cơ sở kinh doanh khỏi các kẻ bạo động vào ban đêm.

Trước đó vào đêm 29/5, khi cuộc biểu tình bước sang ngày thứ 4, Raquel Sidie-Wagner nằm ở nhà xem tin tức, lướt Twitter trong cảm giác sợ hãi bởi nguy hiểm có thể đến nhà mình bất cứ lúc nào.

nguoi dan Minneapolis doi pho voi bao dong phan biet chung toc anh 2

Người bạo động cướp đồ, phóng hỏa một cửa hàng văn phòng phẩm Office Depot tại Minneapolis. Ảnh: AP.

"Tôi nhận ra thành phố chưa chuẩn bị cho việc này. Chúng tôi đang ngồi một mình, sợ hãi trong nhà. Thứ duy nhất có thể làm bây giờ là tìm những cư dân cùng khu phố để chủ động hơn trong các tình huống", Sidie-Wagner chia sẻ.

Đến 2 giờ 30 sáng 30/5, trong khi ngọn lửa trong các khu nhà ở Minneapolis đang bùng cháy, Sidie-Wagner lập một sự kiện kín trên Facebook, hẹn mọi người gặp nhau vào chiều hôm đó tại khu King Field để bàn kế hoạch đối phó, canh gác khu phố.

Tuy nhiên đến khi mọi người có mặt ở công viên Martin Luther King Jr., phía nam Minneapolis, Sidie-Wagner quyết định mọi thứ sẽ được trao đổi mà không dùng đến công nghệ nhằm mục đích giữ kín kế hoạch.

Trước khi bắt đầu, Sidie-Wagner yêu cầu mọi người không livestream hoặc đăng bài lên mạng xã hội. Cô lo rằng những kẻ cực đoan có thể biết thông tin về kế hoạch của nhóm rồi trà trộn để gây bạo động.

Nếu quy định cách ly do dịch Covid-19 khiến mọi người giao tiếp với nhau hầu như qua màn hình điện thoại thì bây giờ, mối đe dọa từ những nhóm cực đoan khiến người dân phải gặp nhau ngoài đời thực. Họ lo rằng những thông tin đưa lên Internet có thể bị theo dõi.

Những người tham gia cùng Sidie-Wagner đứng trước một chiếc micro để chia sẻ kế hoạch canh gác vào buổi tối. Một người đàn ông từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ, đang làm bảo vệ cho rằng cách tốt nhất là ở trong nhà, bật đèn.

"Nếu đó là khu vực trống, sẽ có chuyện xảy ra", ông cho biết. Một cặp vợ chồng khác nói rằng nên di chuyển thùng rác hoặc đổ đầy nước vào chúng để kẻ xấu không thể mồi lửa, dọn dẹp những thứ có thể dùng để đập cửa sổ.

Tiếp theo, Sidie-Wagner chia mọi người thành nhiều nhóm để trao đổi thông tin, đăng ký ca trực.

Một người hỏi có nên sử dụng xe cá nhân làm rào chắn không. Câu trả lời đương nhiên là không bởi nó có thể bị đốt, gây cản trở người đi bộ. Người khác thì hỏi có thể tải ứng dụng nhắn tin để trao đổi không. Có, nhưng nên sử dụng các dịch vụ mã hóa như Signal.

Mỗi nhóm sau đó được nhận một bình chữa cháy. Một người phụ nữ đã xung phong tóm tắt kế hoạch, in ra giấy rồi phát chúng cho từng nhà.

nguoi dan Minneapolis doi pho voi bao dong phan biet chung toc anh 3

Một quán bar bị thiêu rụi tại phía nam Minneapolis sáng 29/5. Ảnh: MPR.

Cả thành phố cùng đối phó bạo động

Còn ở phía bắc Minneapolis - nơi phần lớn cư dân là người da đen - mọi người cũng gặp nhau vào chiều 30/5 để chuẩn bị cho "một đêm dài". Trước đó 2 ngày, lửa đã bùng cháy tại một số doanh nghiệp do người da đen làm chủ tại khu West Broadway. Lính cứu hỏa phải mất hàng giờ để xử lý.

Phillipe Cunningham, thành viên hội đồng thành phố, đại diện phường 4 khu vực bắc Minneapolis nói rằng mình đã nhận nhiều cuộc điện thoại báo cáo về những những nhóm người da trắng đốt lửa.

"Nơi đây khá im lặng. Không có biểu tình hay đột nhập, nhưng các tòa nhà đang bốc cháy. Đó là dấu hiệu nguy hiểm, rõ ràng chúng tôi phải tìm hiểu xem nó là gì", Cunningham chia sẻ.

Với sự giúp đỡ của bạn đời, Cunningham đã lập danh sách những nơi có nguy cơ bị phá hoại, nhờ mọi người theo dõi chúng thông qua một trang Facebook. Hơn 100 người đã tình nguyện tham gia việc này.

Khác với vùng phía nam thành phố của Sidie-Wagner, Cunningham cho biết anh khá thoải mái trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để liên lạc, lên kế hoạch bởi những người trong khu vực đã quen mặt nhau.

Tất nhiên, vẫn có khả năng kẻ xấu sẽ đóng giả để trà trộn, Cunningham cho rằng phía bắc và nam Minneapolis đang trải qua 2 cuộc khủng hoảng khác nhau, nên việc đối phó đòi hỏi 2 chiến lược khác nhau.

"Chúng tôi nhận thấy chúng đặt mục tiêu phá hoại rõ ràng, không phải đập phá bừa bãi", Cunningham chia sẻ.

nguoi dan Minneapolis doi pho voi bao dong phan biet chung toc anh 4

Người biểu tình giơ bảng "Black Live Matters" để bày tỏ sự phản đối sau khi người đàn ông da đen bị cảnh sát Minneapolis ghì cổ đến chết ngày 25/5. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, Cunningham không muốn kế hoạch của họ được công khai quá rộng rãi. Do đó những tình nguyện viên sau khi được kêu gọi trên Facebook đã chuyển sang hoạt động trong nhóm kín, trao đổi trong ứng dụng nhắn tin mã hóa và liên lạc trong phòng họp cài mật khẩu trên Zoom.

Còn tại vùng Pentzes, người dân tự nguyện canh gác tại một số nơi được cho là nguy hiểm. Khi màn đêm buông xuống, họ ngồi thưởng thức cafe, nghe nhạc Whitney Houston và Lady Gaga. 12 giờ 30 tối, Vong Wang, chủ tiệm thức ăn gần đó mang bánh mì, mì ống và phô mai để tiếp tế. Họ ngồi đến 5 giờ sáng, rất may bởi không có gì nghiêm trọng ngoài những chiếc xe không biển số chạy ngang qua đường.

Tất nhiên, không phải nơi nào ở Minneapolis cũng bình yên như vậy. Tại khu phố Whittier, trong khi 4.000 cảnh sát đang đụng độ với người biểu tình và nhà báo, một nhóm thanh niên da trắng muốn đốt một siêu thị phong cách Đông Phi, rất may những khách hàng bên trong đã đuổi họ ra ngoài.

Buổi trực của Sidie-Wagner ở phía nam Minneapolis không có dấu hiệu khả nghi nào, trong khi một người báo cáo rằng có một nhóm người da trắng đi ra từ con hẻm nhỏ. Việc lên kế hoạch đối phó nhóm bạo động về đêm vẫn khiến đó là một trong những buổi tối đặc biệt của Sidie-Wagner.

Lời ‘gan ruột’ của người đàn ông biểu tình khiến nước Mỹ lay động

Đoạn clip về người đàn ông 31 tuổi Curtis Hayes kêu gọi dừng bạo loạn đã gây sốt mạng xã hội. Trong clip, Hayes muốn nhắn gửi thế hệ trẻ phải hành động thật đúng đắn.

(Theo Zing)

Bạo loạn ở Mỹ, dòng người vào Apple Store đập phá, vét sạch iPhone

Bạo loạn ở Mỹ, dòng người vào Apple Store đập phá, vét sạch iPhone

Nhóm người quá khích đã phá hoại các Apple Store tại Mỹ sau vụ việc một người da đen bị cảnh sát đè chết.

Nhóm hacker khét tiếng Anonymous bị mạo danh để tấn công cảnh sát Mỹ

Nhóm hacker khét tiếng Anonymous bị mạo danh để tấn công cảnh sát Mỹ

Nhóm hacker khét tiếng Anonymous nhiều khả năng đã bị một tin tặc mạo danh khi tấn công vào trang web của sở cảnh sát thành phố Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ).